15/11, công bố cam kết gia nhập WTO của VN

15/11, công bố cam kết gia nhập WTO của VN
TP - “Ngày 15/11, Chính phủ sẽ công bố toàn bộ kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)” - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã cho biết tại phiên họp toàn thể của Ủy ban đối ngoại Quốc hội (QH) diễn ra tối qua 3/11.

VN đồng ý tuân thủ toàn bộ các hiệp định và các quy định mang tính ràng buộc của WTO từ thời điểm gia nhập.

Tuy nhiên, WTO đã chấp nhận cho VN được hưởng một thời gian chuyển đổi để thực hiện một số cam kết có liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, trợ cấp phi nông nghiệp, quyền kinh doanh.v.v.

VN chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm, chế độ này chỉ có ý nghĩa trong các vụ kiện bán phá giá, các thành viên WTO không có quyền áp dụng cơ chế tự vệ đặc thù đối với hàng xuất khẩu của VN...

Về quyền kinh doanh (quyền xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa): Tuân thủ quy định của WTO, VN đồng ý cho DN và cá nhân nước ngoài được quyền xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa  như DN và cá nhân VN, trừ các mặt hàng thuộc danh mục thương mại Nhà nước...

VN đồng ý cho phép DN và cá nhân nước ngoài  không có hiện diện tại VN được đăng ký quyền xuất nhập khẩu tại VN... Trong mọi trường hợp, DN và cá nhân nước ngoài không được tự động tham gia vào hệ thống phân phối trong nước.

Về DNNN/DN thương mại Nhà nước: Các cam kết của VN trong lĩnh vực này là NN sẽ không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động của DNNN.

Tuy nhiên, NN với tư cách là một cổ đông được can thiệp bình đẳng vào hoạt động của DN như các cổ đông khác. VN cũng đồng ý cách hiểu mua sắm của DNNN không phải là mua sắm của Chính phủ.

Về lĩnh vực dịch vụ, cam kết chung cơ bản như đối với cam kết trong Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA). VN cho phép tổ chức và cá nhân nước ngoài được mua cổ phần trong các doanh nghiệp VN nhưng với tỷ lệ phải phù hợp với mức mở cửa của ngành đó. Riêng ngân hàng, VN chỉ cho phép nước ngoài được mua tối đa 30% cổ phần.

Về dịch vụ viễn thông, VN đã có thêm một số nhân nhượng so với BTA nhưng ở mức độ hợp lý..., cụ thể là VN cho phép thành lập liên doanh đa số vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ viễn thông không gắn với hạ tầng mạng, nới lỏng một chút việc cung cấp dịch vụ qua biên giới để đánh đổi lấy việc giữ lại các hạn chế áp dụng cho viễn thông có gắn với hạ tầng mạng...

Về dịch vụ phân phối, VN cơ bản giữ được như BTA, trong đó có việc không mở cửa thị trường phân phối xăng dầu, dược phẩm, sách, báo, tạp chí, băng hình, thuốc lá, gạo, đường và kim loại quý cho nước ngoài. Nhiều sản phẩm nhạy cảm như sắt thép, xi măng... VN chỉ mở cửa sau 3 năm.

Về dịch vụ ngân hàng, VN đồng ý cho thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài không muộn hơn ngày 1/4/2007. Ngoài ra, ngân hàng nước ngoài được thành lập chi nhánh tại VN nhưng chi nhánh đó sẽ không được phép mở chi nhánh phụ và vẫn phải chịu hạn chế về huy động tiền gửi bằng đồng VN từ thể nhân VN trong vòng 5 năm kể từ ngày vào WTO.

Về dịch vụ chứng khoán, VN cho phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài và chi nhánh sau 5 năm kể từ khi vào WTO.

Ngoài ra, VN không mở cửa dịch vụ in ấn, xuất bản.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".