20% doanh nghiệp vừa và nhỏ kề cận nguy hiểm

20% doanh nghiệp vừa và nhỏ kề cận nguy hiểm
TP- Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (DN V&N) cho biết có khoảng 20 phần trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ở mức nguy hiểm, khoảng 60 phần trăm doanh nghiệp khác gặp nhiều khó khăn về vốn, quản lý, thông tin dự báo.
20% doanh nghiệp vừa và nhỏ kề cận nguy hiểm ảnh 1
Sản xuất gỗ tại doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội Ảnh: T.L
 
Thống kê mới nhất của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy chỉ có 20 phần trăm số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thị trường, vốn, công nghệ và thích nghi được với biến động của thị trường hiện nay.

Theo ông Kiêm, khoảng 20 phần trăm doanh nghiệp gặp khó khăn trên là những doanh nghiệp phải nằm im, không hoạt động được và có nguy cơ phải giải thể. Các doanh nghiệp bị xếp vào diện đang gặp nguy hiểm này chia thành hai nhóm.

Nhóm đầu là những doanh nghiệp hoạt động thì có vấn đề không lành mạnh. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do tác động từ  bên ngoài. “Theo tôi, với các doanh nghiệp ở nhóm thứ nhất có lẽ phải để cho họ chuyển hướng, giải thể hoặc sáp nhập với nhau. Còn doanh nghiệp khó khăn do tác động của lạm phát, của suy giảm, chúng ta cần giúp đỡ”- Ông Kiêm nói.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa & nhỏ TP Hà Nội, cho biết, 15 phần trăm số lao động thuộc các doanh nghiệp thành viên phải nghỉ để chờ việc hoặc làm việc cầm chừng. “Nếu không có các giải pháp tháo gỡ kịp thời nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản. Việc Chính phủ hỗ trợ lãi suất bốn phần trăm góp phần tháo gỡ khá nhiều cho các doanh nghiệp”- Ông Hiển cho biết.

Cơ hội vàng!

Nhìn theo khía cạnh khác, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho rằng thời điểm hiện nay là cơ hội vàng cho doanh nghiệp trong việc cải tiến chiến lược kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Để làm điều này, doanh nghiệp phải có chiến lược giá rẻ, công nghệ tiên tiến để duy trì được sản xuất. Hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp cũng là một giải pháp, theo ông Huyên, cần thiết.

Trước đây mời một chuyên gia thì phải trả 12.000 USD/tháng nhưng nay chỉ còn có 7.000 USD/tháng. Nếu doanh nghiệp nào dám đầu tư vào khoa học công nghệ cao thì sẽ mua được máy rẻ. Ví dụ, máy quét laser của Nhật để thiết kế ô tô, trước đây có giá 330.000 USD, nay chỉ còn 220.000 USD và còn hạ nữa.

MỚI - NÓNG