2008: Nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao

2008: Nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao
TPO - Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu năm 2008 đạt mức tăng trưởng cao như: quặng apatít tăng 45,9%; quần áo người lớn tăng 41,4%; sữa bột tăng 35,2%...

Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt khoảng 650 tỷ đồng, tăng 14,6% so với thực hiện năm 2007. Khu vực kinh tế nhà nước năm 2008 dù đạt mức tăng 4,0% nhưng có xu hướng chậm dần, trong đó doanh nghiệp nhà nước T.Ư tăng 5,5% còn doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 0,8% so với năm 2007.

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 18,8%, cao nhất trong các khu vực kinh tế và có xu hướng nhanh dần với nhiều hình thức đa dạng. Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, ước khoảng 18,6% và chiếm tỷ trọng 45,6%, trong đó, dầu khí giảm 4,3%, các ngành khác tăng 21,1%.

Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu năm 2008 đạt mức tăng trưởng cao như: quặng apatít tăng 45,9%; quần áo người lớn tăng 41,4%; sữa bột tăng 35,2%; máy giặt tăng 28,7%; máy công cụ tăng 28,5%; dầu thực vật tinh luyện tăng 21,8%; động cơ diezen tăng 18,3%; biến thế điện tăng 17,5%;…

Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá như: điện sản xuất tăng 10,8% tương ứng với điện thương phẩm tăng 12,8%; tủ lạnh, tủ đá tăng 11,7%; ti vi các loại tăng 10,6%; động cơ điện tăng 9,8%; ...

Bên cạnh đó còn một số sản phẩm giảm nhiều so với năm 2007 như: điều hòa nhiệt độ giảm 41,3%; xà phòng giặt các loại giảm 25,3%; thép các loại giảm 21,6/%; giấy bìa các loại giảm 21,6%; phân bón NPK giảm 17,2%; than sạch giảm 7,8%; dầu thô giảm 6,2%; …

Báo cáo cũng cho thấy tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2008 ước đạt 79,90 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm 2007, trong đó doanh nghiệp có vốn trong nước nhập khẩu khoảng 59,5 tỷ USD, tăng 25,6% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu khoảng 31,5 tỷ USD, tăng 31%.

Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có trị giá tăng cao so với năm 2007 gồm: ôtô nguyên chiếc các loại tăng 78,9%, linh kiện ôtô tăng 52,6%, thép tăng 22%, phôi thép tăng 42,9%, phân bón tăng 47%, xăng dầu tăng 41,2%, bông tăng 75%, đá quý và kim loại tăng 200,9%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 47,2%...

Tuy nhiên so với cuối năm 2007 và đầu năm 2008 thì kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này giảm đi rất nhiều.

Về thị trường nhập khẩu, châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 75,6% và ngày càng tăng (năm 2007 chiếm 72,2%) trong đó chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN, trong khi đó nhập khẩu từ thị trường Châu Âu vẫn ở mức khiêm tốn chiếm 10,3%.

MỚI - NÓNG