2012: Năm xấu của 'đại gia' Việt

2012: Năm xấu của 'đại gia' Việt
Năm 2012 sắp đi qua. Nhìn lại đời sống kinh doanh một năm, không thể không thấy, đây là một năm đầy "giông bão" với các "đại gia" Việt.

2012: Năm xấu của 'đại gia' Việt

> Nghịch cảnh nhà Trần Mộng Hùng và Đặng Văn Thành
> Các sếp tài chính - ngân hàng gặp hạn trong năm 2012
> Hết tiền, đại gia buông xuôi và... bỏ trốn

Năm 2012 sắp đi qua. Nhìn lại đời sống kinh doanh một năm, không thể không thấy, đây là một năm đầy "giông bão" với các "đại gia" Việt.

Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông Nguyễn Đức Kiên.

Có rất không ít đại gia thất bại trong kinh doanh, giá trị tài sản giảm mạnh, thậm chí có người vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam chờ ngày xét xử. Chỉ rất ít doanh nhân vẫn vững chân và mở rộng được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không khó nhớ những đại gia đã "gặp hạn" năm nay. Trước tiên phải kể ngay đến "bầu" Kiên - ông Nguyễn Đức Kiên -Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và là cổ đông sáng lập tại nhiều ngân hàng thương mại như ACB, Kiên Long...

Bầu Kiên ngoài một năm rất khó khăn về kinh doanh lại bị vướng vòng lao lý. Nếu như giá trị cổ phiếu (ACB) mà đại gia này nắm giữ năm 2011 có giá trị lên tới 692 tỷ đồng thì tính đến đầu tháng 11-2012, số cổ phiếu này chỉ còn giá trị 524 tỷ đồng, giảm tới 168 tỷ đồng. Ngoài lý do về tình hình thị trường khó khăn, sự mất mát về giá trị tài sản (cổ phiếu) của Bầu Kiên cũng có phần liên quan đến những khó khăn của ngân hàng ACB gặp phải khi một số cán bộ chủ chốt của ngân hàng này cũng bị khởi tố như ông Trần Xuân Giá, cựu Chủ tịch ACB và ông Lý Xuân Hải, cựu tổng giám đốc.

Bản thân Bầu Kiên bị khởi tố và đã bị bắt tạm giam về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165- Bộ Luật Hình sự. Không những thế, ông này còn bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139- Bộ Luật Hình sự. Với những tội danh này, một khi tòa án xét xử và có phát quyết, nếu đúng tội, ngày trở lại với hoạt động kinh doanh của Bầu Kiên có lẽ còn rất xa xôi.

Gương mặt doanh nhân lớn đáng chú ý thứ hai trong năm chính là ông Đặng Thành Tâm- Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc. Năm 2012 chắc chắn là một năm không mấy dễ chịu cho đại gia này. Tổng số nợ ngân hàng của tập đoàn của ông và của bà Đặng Thị Hoàng Yến, chị gái ông này, như ông tiết lộ tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi lên tới 10.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng rất cao, đầu ra lại khó khăn , đương nhiên, nó là một gánh nặng rất lớn cho đại gia này khi mỗi sáng mở mắt ra, có hàng tỷ đồng đã phải trả lãi cho ngân hàng.

Nhưng thất bại lớn nhất của ông Đặng Thành Tâm chính là đã bỏ nhiều tiền đầu tư vào ngân hàng. Ông từng tâm sự: "Chẳng ai muốn nói mình là thất bại, nhưng nói không thành công cũng chỉ là lịch sự thôi. Không riêng gì ngân hàng, mà hoạt động đầu tư tài chính nói chung của chúng tôi hoàn toàn không thành công, thậm chí lỗ nặng. Nói thật, nếu không vướng ngân hàng thì chúng tôi không khổ thế này. Khu công nghiệp dù khó khăn chúng tôi vẫn thu tiền đều đều, dù ít vẫn có lãi, vẫn ung dung hơn nhiều. Tự dưng sa đà vào cái đó, giờ thì thất bại, phải tự rút kinh nghiệm thôi".

Con số thống kê trên thị trường chứng khoán cho thấy đại gia Đặng Thành Tâm thất bát thế nào trong năm 2012: tổng giá trị tài sản (cổ phiếu các mã ITA, KBC, NVB, SGT) năm 2011 trên sàn chứng khoán của ông Tâm năm 2011 là 1.395 tỷ đồng. Nhưng con số này đã hụt đi tới 574 tỷ đồng, chỉ còn lại 820 tỷ đồng, tính đến đầu tháng 11-2012.

Một đại gia khác cũng bị mất mát rất lớn do sự suy giảm về giá trị cổ phiếu năm 2012 là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR). Ông Đạt từng là một trong những gương mặt mới của danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2010, nhờ sở hữu một trong những cổ phiếu bất động sản "hot" nhất thời bấy giờ. Giá trị số cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán của ông Đạt từng vượt ngưỡng 2.600 tỷ đồng vào năm 2010. Con số này đã hao hụt mạnh trong 2 năm qua và 76,8 triệu cổ phiếu PDR mà ông đang năm giữ chỉ còn trị giá khoảng 930 tỷ đồng, giảm gần 515 tỷ so với năm ngoái.

Danh sách các đại gia "thất bát", gặp nhiều khó khăn lớn trong năm 2012 còn rất dài như ông Trần Hùng Huy (ACB), Đặng Văn Thành (Sacombank), Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Ông Đặng Văn Thành.
Ông Đặng Văn Thành.

Tính đến ngày 2-11, tổng tài sản của gia đình ông Đặng Văn Thành trên sàn chứng khoán là hơn 1.514,9 tỷ đồng. Nắm trong tay 42,7 triệu cổ phiếu Sacombank, ông Thành đang có 798,4 tỷ đồng (theo giá của cổ phiếu này trong ngày 2-11). Bà Huỳnh Bích Ngọc - người vừa lần lượt rời chức Chủ tịch Bourbon Tây Ninh và rút khỏi HĐQT công ty này - cũng đang có 36,5 tỷ đồng là tài sản trên sàn chứng khoán. Hiện bà Ngọc cũng đang nắm cổ phiếu của Công ty Bourbon Tây Ninh, Địa ốc Sacomreal và Đường Biên Hòa. Đó là chưa kể đến khối tài sản, cổ phần tại các công ty chưa niêm yết mà mỗi thành viên nhà ông Đặng Văn Thành đang đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu từ Chủ tịch đến tổng giám đốc, thành viên HĐQT.

Năm 2012, Sacombank vừa trải qua một cuộc thâu tóm lớn từ nhóm cổ đông "đại gia". Tin đồn về việc Sacombank bị thâu tóm bắt đầu nổ ra vào tháng 7-2011 và ngay lập tức, cổ phiếu của ngân hàng này bị sụt giảm mạnh. Đến tháng 2-2012, cha con ông Đặng Văn Thành bị nhóm cổ đông nắm hơn 51% vốn điều lệ ngân hàng yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Cũng từ đây, vị thuyền trưởng Đặng Văn Thành chính thức chịu thua cuộc trước màn thâu tóm lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam...

Nhưng cũng có "đại gia" vẫn làm ăn khá tốt, không chỉ trụ vững trong một năm kinh doanh quá khó khăn mà còn gặt hái thêm một số thành công đáng kể trong năm nay. Ví dụ đáng kể nhất là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai. Dù đây cũng là một năm đầy khó khăn cho doanh nghiệp của mình do Hoàng Anh -Gia Lai cũng đầu tư không ít tiền của vào bất động sản, nhưng với các quyết định táo bạo như bán phá giá một số khu chung cư như quyết định mở bán căn hộ Hoàng Anh -Thanh Bình trên khu đất vàng quận 7, thành phố Hồ Chí Minh với giá trên dưới 20 triệu đồng/m2, rẻ hơn 30-50% so với dự án khác cùng địa bàn, ông Chủ tịch Tập đoàn này cũng tự tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp của mình và mở ra một lối thoát cho thị trường bất động sản.

Đại gia Đoàn Nguyên Đức cũng đỡ khó khăn hơn các đại gia khác do số vốn vay từ ngân hàng không quá lớn trên tổng vốn đầu tư. Tổng số tiền vay ngân hàng của đại gia này, vào khoảng 6000 tỷ đồng.

Cuối năm 2012, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định đầu tư cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu trị giá 100 triệu USD tại Lào với công suất 7.000 tấn một ngày. Chính phủ đang xem xét cho phép tập đoàn này nhập khẩu hơn 100.000 tấn đường một năm từ Lào về Việt Nam để giải quyết đầu ra cho nhà máy. Quyết định của đại gia Đoàn Nguyên Đức có nhiều khả năng đem lại thành công lớn vì hiện nay giữa Việt Nam và Lào có thỏa thuận ưu đãi thuế quan do có chung đường biên giới nên một số mặt hàng nhập khẩu từ Lào sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 2,5% thay vì 5% như từ khu vực ASEAN...

Mặc dù trong bối cảnh chung, giá trị của hơn 25 triệu cổ phiếu HAG mà đại gia Đoàn Nguyên Đức sở hữu cũng giảm nhưng tổng tài sản của đại gia này vẫn gia tăng mạnh so với năm trước. Tính tới hết tháng 5-2012, tài sản của bầu Đức đã tăng thêm 2.500 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Trong 2 tháng tiếp theo, mỗi tháng, tài sản của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức lại tăng 300 tỷ đồng nhờ giá cổ phiếu. Đến cuối tháng 7, khi mỗi cổ phiếu HAG chốt mức giá tại 29.200 đồng thì giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức là 7.582 tỷ đồng. Tính ra, mỗi tháng đầu năm 2012, giá trị tài sản của bầu Đức lại tăng thêm từ 300 đến 500 tỷ đồng.

Trong danh sách các doanh nghiệp làm ăn khấm khá năm 2012, còn gương mặt khá ấn tượng là công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk (mã chứng khoán VNM). Trong quý 3-2012, công ty mẹ VNM lãi hơn 1.390 tỷ đồng tăng 34%, luỹ kế 9 tháng đạt 4.145,88 tỷ đồng, tăng 32,36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giám đốc của Vinmilk, bà Mai Thị Kiều Liên trong năm nay đã được Tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á (Corporate Governance Asia Journal - một tạp chí chuyên về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông), bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc châu Á - lần thứ 3 năm 2012.

Nhìn lại các gương mặt đại gia năm 2012, có thể thấy, phần lớn đều khó khăn, thất bát nhưng nguyên nhân dẫn đến các kết quả kinh doanh không được như ý của họ cũng rất khác nhau. Có người thì vừa gặp phải những khó khăn chung của thị trường: lãi suất cao, đầu ra khó khăn, nhưng lại vừa có những khó khăn do những vấn đề nội tại: những khó khăn do đầu tư ra ngoài lĩnh vực cốt lõi của doanh nghiệp mình (đầu tư vào ngân hàng, bất động sản); hoặc có người có những vi phạm pháp luật từ những năm trước đây như Bầu Kiên, đến năm 2012 thì bị điều tra, phát hiện ra...Những đại gia đỡ khó khăn hơn, thậm chí vẫn có những thành công nhất định là những doanh nhân có tiềm lực tài chính mạnh thực sự, vay ngân hàng ít, đầu tư có chọn lọc và biết đưa ra những quyết định đúng đắn vào thời điểm khó khăn.

Theo Trung Ngôn
Tuần Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG