28/11: Nhiều cổ phiếu blue-chips giảm mạnh

28/11: Nhiều cổ phiếu blue-chips giảm mạnh
Không còn sôi động, nhiều cổ phiếu blue-chips có khối lượng giao dịch giảm mạnh trong nhiều phiên gần đây. Kết thúc phiên giao dịch giữa tuần, chỉ có 2 mã cổ phiếu có giao dịch hơn 500.000 đơn vị.
28/11: Nhiều cổ phiếu blue-chips giảm mạnh ảnh 1

Kết thúc phiên giao dịch sáng 28/11, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 3,51 điểm (tương đương giảm 0,35%) xuống 984,57 điểm. Trong đợt giao dịch thứ 1, chỉ số này tăng 0,51 điểm. Đợt 2, chỉ số này giảm 0,05 điểm.

Trong số 125 cổ phiếu niêm yết trên sàn, 51 mã tăng giá, 49 mã giảm giá và 26 mã đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 giảm 100 đồng xuống 10.500 đồng/ccq, còn VF1 giảm 200 đồng xuống 28.800 đồng/chứng chỉ quỹ.

Khối lượng và giá trị giao dịch trên toàn thị trường tiếp tục giảm, xuống mức rất thấp. Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 6,98 triệu đơn vị, trị giá 711,3 tỷ đồng. Giao dịch tính riêng cổ phiếu đạt 6,7 triệu đơn vị.

Hôm nay, có tới 50 cổ phiếu có khối lượng giao dịch dưới 10.000 đơn vị. Số lượng mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch dưới 50.000 đơn vị còn lên tới gần 95 mã.

Đặc biệt, nhiều cổ phiếu blue-chips có tính thanh khoản rất cao trước đó như: SSI, VIC, FPT, VNM, SAM, REE… cũng giảm rất mạnh. Hôm nay chỉ có STB của Sacombank và DPM của Đạm Phú Mỹ có khối lượng giao dịch đạt trên 500.000 đơn vị.

Trong khi đó, đại gia DPM giảm 1.000 đồng xuống 78.000 đồng/cp với 667.720 cổ phần được mua-bán.

SSI của chứng khoán Sài Gòn tăng nhẹ 1.000 đồng lên 259.000 đồng/cp với 409.500 cổ phần được chuyển nhượng; HAP với 309.870cp; TPC với 270.120cp; VIC với 237.300cp, MCV với 153.750cp. Còn lại tất cả các mã đều có giao dịch dưới 150.000 đơn vị.

Hôm nay, cổ phiếu TPC của Nhựa Tân Đại Hưng lên sàn với khối lượng niêm yết là 8 triệu cổ phiếu. Đây là công ty nhựa thứ 5 trên sàn TP.HCM sau các cty như Nhựa Đà Nẵng, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tân Tiến, và Nhựa Đồng Nai.

TPC chào sàn ở mức 69.000đ với khối lượng khớp lệnh tương đối lớn là 270.120cp, đứng thứ 5 thị trường về khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, mức giá chào sàn này của TPC thấp hơn mức dự kiến 1.000đ, mà có lẽ là do xu hướng giảm giá chung trên thị trường.

Theo ATPvietnam.com, những ngày này, thị trường đang phải đối mặt với nhiều thông tin không mấy tốt lành (giá nguyên nhiên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng, lạm phát cao, chứng khoán toàn cầu đang suy giảm...) khiến các quyết định mua vào được cân nhắc rất kỹ, trong khi cứ hễ giá cổ phiếu tăng mạnh được một vài phiên là ngay lập tức lượng bán tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, lượng cầu cổ phiếu có hạn và dường như đang suy giảm (do NĐT đã giải ngân nhiều; tiền vay bị giới hạn; chuyển đầu tư vào một số mặt hàng khác…) trong khi nhà đầu tư lại có quá nhiều lựa chọn mua cổ phiếu vào thời điểm này.

Tuy nhiên, đây được coi là thời điểm các nhà đầu tư có thể lựa chọn mua vào một số cổ phiếu để đón các thông tin tốt về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vào cuối năm (rất nhiều DN có kết quả kinh doanh vượt trội vào quý IV). Trong 2 năm 2005 và 2006, giá cổ phiếu và theo đó là VN-Index đã tăng rất mạnh vào cuối năm và đầu năm sau.

Có nhiều dự báo cho rằng VN-Index sẽ giảm dưới 1.000 điểm sau đó sẽ dần dần tăng trở lại lên mức 1.100 điểm cuối năm và đầu năm 2008 (sau khi có các tin tốt đến với thị trường như KQKD tốt vào cuối năm của DN niêm yết, kế hoạch cho năm 2008...).

Theo Nhất Linh
Vietnamnet

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.