Vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên:

'30 năm vẫn thế'

'30 năm vẫn thế'
TP - PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, những báo cáo về vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường từ 30 năm nay vẫn những nội dung như vậy. Nếu cứ thay đổi mấy chuyện lặt vặt chỉ làm khổ đất nước.

Sáng 12/4, tại Hội thảo Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường (giai đoạn 2016-2020), các chuyên gia, nhà kinh tế chỉ ra hàng loạt vấn đề của nhà nước, như: Nhà nước đang chèn lấn khu vực tư nhân khi có mặt ở hầu hết các lĩnh vực tư nhân có thể làm được; nguồn lực đất nước không được phân chia công bằng, bị sử dụng kém hiệu quả; các bộ ngành vừa sắm vai quản lý vừa sắm vai chủ quản doanh nghiệp…

Sau khi nghe những đánh giá đó, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét, những báo cáo về vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường từ 30 năm nay vẫn những nội dung như vậy. “Tất cả những bất cập chỉ ra đều đúng và sâu sắc, đầy đủ, nhưng 30 năm vẫn như thế. Thậm chí, những kiến nghị sửa đổi trong các báo cáo còn ít đi so với trước. Điều này nói lên rằng, nếu chúng ta cứ đi thay đổi mấy cái lặt vặt chỉ làm khổ đất nước, cốt yếu phải thay đổi thể chế và hệ thống”, ông Thiên nói. Theo ông Thiên, nếu đi giải quyết mấy chuyện lặt vặt chỉ giúp làm dịu đi ít rào cản, nhưng chi phí cơ hội sẽ tăng lên.

Nhà nước tranh chỗ với tư nhân

Với việc rút vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, theo ông Thiên, đã tới lúc dùng từ “tư nhân hóa” thay vì “cổ phần hóa” như lâu nay. Theo vị chuyên gia này, lâu nay chỉ bàn chuyện kiếm tiền về ngân sách, trong khi đáng ra phải xử lý bộ máy để không tiêu tiền thêm nữa.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dù Việt Nam đã qua 30 năm đổi mới vẫn chưa làm rõ được khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. “Những điểm chưa rõ là về vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước, mối quan hệ nhà nước – thị trường. Nhờ đó, từ nay giới nghiên cứu có thể bàn luận công khai về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường”, ông Cung nói.

Theo người đứng đầu Viện CIEM, việc Nhà nước nắm giữ nhiều lĩnh vực khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm được đã làm méo mó, sai lệch thị trường và thiếu động lực cạnh tranh. Trong đầu tư công, dù ngân sách có hạn, đáng ra phải lựa chọn dự án sao cho hiệu quả cao nhất, lại đầu tư dàn trải, lãng phí. Ngay những nước như Anh, Nhật có tiềm lực lớn hơn Việt Nam nhiều, nhưng đầu tư công cũng phải lựa chọn dự án tốt nhất, làm sao hiệu quả nhất, không làm tràn lan như Việt Nam. Về hiệu quả đầu tư công, Việt Nam chỉ được chưa tới 10/100 điểm, nếu thang điểm 10 thì chưa đạt 1 điểm. “Đầu tư công là quá trình khép kín, thiếu sự tham gia của người dân nên dễ bị tác động bởi nhóm lợi ích. Thậm chí, dự án ở các địa phương xuất phát từ đề xuất của chủ đầu tư, do tư vấn theo đuổi”, ông Cung nói. Do vậy, ông Cung tiếp tục đề nghị Nhà nước nên để tư nhân làm những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Cụ thể là tư nhân hóa luôn, như nhà ở, khách sạn, vận tải, thương mại…

MỚI - NÓNG