400 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

TPO - UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng kinh phí 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Mục tiêu của đề án là tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy được những giá trị của di sản văn hóa nông nghiệp ở ĐBSCL; phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hoá của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL.

Đồng thời, tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có vai trò to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp (vật thể và phi vật thể) ở ĐBSCL, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương.

Bảo tàng dự kiến xây dựng tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích đất dự kiến 11,4ha, trong đó khu đất đã được bồi hoàn khoảng 3,44ha, còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp (vườn, ruộng).

Khuôn viên bảo tàng được chia thành 4 khu chính, gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chính; khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa; khu tổ chức sự kiện và khu công trình phụ trợ. Trong mỗi chủ đề chính của bảo tàng được chia thành các chuyên đề trưng bày chuyên sâu khác nhau.

400 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1 Sơ đồ tiếp cận của tổng thể công trình bảo tàng. 

Hiện vật và tư liệu của từng chuyên đề được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua 4 thời kỳ: trước năm 1698 (nền nông nghiệp vương quốc Phù Nam và Chân Lạp); từ 1698-1858 (quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn); từ 1858-1975 (tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hoà) và từ 1975 đến nay (nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL thời kỳ đổi mới và hội nhập).

Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là một đơn vị sự nghiệp có thu một phần, trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long. Dự kiến số lượng nhân sự ban đầu khoảng 30 người và có thể tăng theo sự phát triển của bảo tàng.

Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 400 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Trong đó gồm ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh); nguồn xã hội hóa (đã có doanh nghiệp cam kết tài trợ); nguồn từ các dự án tài trợ của Trường Đại học Cần Thơ; nguồn từ Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL và nguồn thu từ các hoạt động khai thác các dịch vụ tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng.

Dự án được phân kỳ thực hiện theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý (đến năm 2021); giai đoạn 2 là sưu tầm, thiết kế và thi công cơ sở hạ tầng (2022-2026) và giai đoạn 3 là hoàn thiện đề án, khai thác và sử dụng (năm 2027).

“Việt Nam có trên 160 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 ngoài công lập. Tuy nhiên, chưa có nơi nào xây dựng bảo tàng nông nghiệp, một kho tàng văn hóa của nền văn minh lúa nước gắn chặt với đời sống của người dân Việt Nam, để tôn vinh và cổ vũ người nông dân Việt Nam thêm tự hào và gắn bó với ngành sản xuất nông nghiệp.” – trích mục căn cứ khoa học của sự cần thiết xây dựng bảo tàng.  

MỚI - NÓNG