5 năm qua, ngân sách huy động khoảng 23% GDP

5 năm qua, ngân sách huy động khoảng 23% GDP
TPO - Bộ Tài chính cho biết, trong 5 năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước NSNN tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân đạt khoảng 23% GDP. Trong khi đó, mục tiêu đề ra từ 23 - 24% GDP. 

Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 58% (giai đoạn 2006 - 2010) lên 67% (giai đoạn 2011 - 2015). Riêng năm 2015, ước đạt 70%, đáp ứng mục tiêu của Chiến lược tài chính đến năm 2020.

Tổng chi NSNN bình quân đạt 28,6% GDP với cơ cấu chi chuyển dịch tăng chi cho con người, ưu tiên bố trí NSNN để thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo; chi giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường cơ bản đảm bảo theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Cũng trong khoảng thời gian này, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 31% GDP, gấp 1,8 lần giai đoạn 2006-2010. Trong đó, cơ cấu vốn đầu tư của khu vực nhà nước chiếm 39,51% tổng vốn đầu tư xã hội.

Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển đã huy động được 335 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006 – 2010. Điều này góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng, các lĩnh vực then chốt, ngành kinh tế mũi nhọn để nâng cao năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo con số thống kê của Bộ Tài chính, tính đến 1/6/2015, toàn ngành đã xây dựng, trình ban hành 1.269 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, có 13 Luật, 04 Nghị quyết Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 164 Nghị định của Chính phủ, 94 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Ban hành hoặc phối hợp ban hành 994 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Nhìn chung, chính sách pháp luật về tài chính - ngân sách luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước và  thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô qua từng thời kỳ; các thể chế chính sách được ban hành cơ bản đảm bảo tính minh bạch, đơn giản hóa phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ và các cam kết quốc tế nhằm tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, nâng cao cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan rà soát để thực thi cam kết về cắt giảm hàng rào thuế quan đặc biệt là các cam kết WTO và các Hiệp định thương mại tự do. T trong lĩnh vực thuế, Việt Nam đã ký Hiệp định thuế với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

MỚI - NÓNG