5 năm tới kinh tế EU sẽ vượt Mỹ ?

5 năm tới kinh tế EU sẽ vượt Mỹ ?
Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong 2 ngày (22-23/3) vào đúng thời điểm bản Hiến pháp chung đang trong quá trình trưng cầu dân ý.

Chủ đề nóng bỏng nhất tại Hội nghị là việc đánh giá lại Chiến lược Lisbon được xác lập từ năm 2000 với mục tiêu trước năm 2010 EU phải vượt Mỹ, trở thành thực thể kinh tế có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chiến lược Lisbon trong 5 năm qua với sự phục hồi chậm của các nền kinh tế cũng như triển vọng không mấy sáng sủa của 5 năm còn lại khiến giới lãnh đạo EU phải xem xét lại mục tiêu trên.

Trước thềm Hội nghị, các nhà lãnh đạo đều đánh giá để thực hiện Chiến lược Lisbon là rất khó khăn và cần phải đặt ra mục tiêu phát triển thiết thực hơn cho 5 năm tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo tốc độ phát triển kinh tế của khu vực đồng euro chỉ đạt 1,6% năm 2005, trong khi Mỹ là 3,6%. Các nền kinh tế lớn như Đức, Pháp đang ở trong thời kỳ khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 10%.

Trước thực tế trên, từ đầu tháng 2, ủyban EU đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế trong 5 năm tới của liên minh để trình hội nghị thảo luận, thông qua. Theo chiến lược mới, trước năm 2010, tổng GDP của các nước thành viên EU sẽ có mức tăng trưởng bình quân 3%, đồng thời phải tạo ra trên 6 triệu việc làm mới.

Một vấn đề nóng bỏng khác tại Hội nghị là việc cải cách Công ước ổn định và tăng trưởng ra đời từ năm 1997 nhằm giữ vững sự ổn định của đồng euro. Công ước yêu cầu thâm hụt ngân sách của các nước thành viên không được vượt quá 3% GDP của nước đó, nếu không sẽ bị phạt về tài chính.

Tuy nhiên, một số thành viên lớn của EU như Đức, Pháp lại liên tục vượt quá chỉ tiêu trên. Những nước đã vượt hoặc có nguy cơ vượt chỉ tiêu yêu cầu áp dụng công ước một cách linh hoạt, xem xét đến tình hình cụ thể. Tuy nhiên, các nước nhỏ của EU không vượt chỉ tiêu trên lại đòi phải thực hiện công bằng.

Việc cải cách công ước đã được thảo luận nhiều lần, nhưng các bên vẫn chưa đạt được thoả thuận nào. Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh, bộ trưởng tài chính các nước EU cũng có cuộc họp quan trọng để bàn về việc cải cách công ước.

Tại Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân, các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về vai trò của liên minh trước những vấn đề quốc tế nóng bỏng, đặc biệt là diễn biến hoà bình Trung Đông, bãi bỏ cấm vận vũ khí với Trung Quốc, khủng hoảng hạt nhân Iran và việc Tổng thống Mỹ Bush đề cử Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz làm Giám đốc Ngân hàng Thế giới... 

MỚI - NÓNG