58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt

Người Việt đã quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa sản xuất trong nước
Người Việt đã quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa sản xuất trong nước
TP - Sau 1 năm Bộ Chính trị phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có trên 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt, trong khi trước đây chỉ khoảng 23%, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết tại Hội nghị một năm thực hiện cuộc vận động này, “ngày 11-11.
Người Việt đã quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa sản xuất trong nước
Người Việt đã quan tâm nhiều hơn đến hàng hóa sản xuất trong nước . Ảnh: P.T

Thay đổi tâm lý sính ngoại

Theo bà Thoa, có thể thấy sau 1 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền sản xuất trong nước và hoạt động, phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp đã ý thức được đây là “cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa. Sản phẩm, hàng hóa hiện nay đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, từng bước thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, người tiêu dùng trong nước đã dần nhận thức đúng đắn về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng.

Theo kết quả điều tra gần đây của Công ty TV Plus, sau 1 năm phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có trên 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt, trong khi trước đây con số này chỉ dừng ở mức khoảng trên 23% (theo thống kê của Tập đoàn Grey - Mỹ).

Nhiều doanh nghiệp chưa sòng phẳng

Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, bên cạnh những mặt được, trong hành xử đối với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thiếu văn minh thương mại, ở các khâu từ tiếp thị, bán hàng, giải đáp khiếu nại, trách nhiệm bảo hành, bồi thường.

Điển hình là việc gần đây nhiều nhà kinh doanh nhập hàng trăm tấn thịt, nội tạng động vật, mỡ quá đát, hoặc cận đát nhiễm vi sinh. Hay việc doanh nghiệp gắn chip điện tử để gian lận trong bán xăng; hay gian lận trong đo đếm tính cước taxi. Người tiêu dùng không được bồi thường về những hành vi gian lận thương mại trong các lĩnh vực này.

Ông Bá cũng cho rằng những hành vi này cho thấy chính bản thân doanh nghiệp cũng chưa nhận thức được vai trò quan trọng nền tảng của thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu cơ hội, ăn sẵn, thiếu chiến lược và tư duy tổ chức kinh doanh. Vì vậy, hiện nay thị trường nông thôn, một phân khúc đầy tiềm năng gần như bị bỏ trống, việc phân phối hàng hóa ở đây còn hết sức sơ khai.

Theo Bộ Công Thương, đến nay Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức được 80 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4.793.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 1.499 tỷ đồng. 
MỚI - NÓNG