6 loại trái cây được xây dựng tiêu chuẩn quốc tế

6 loại trái cây được xây dựng tiêu chuẩn quốc tế
Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc tế cho 6 loại trái cây Việt Nam, gồm:  xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò, chôm chôm Java, thanh long, dứa, măng cụt.
6 loại trái cây được xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ảnh 1

Các tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên 10 tiêu chí: giống, hình dạng, độ lớn, độ đồng đều, độ tươi, màu sắc vỏ, mức độ thô và mịn bề mặt, dấu vết cơ học, dấu vết sâu bệnh, tình trạng vệ sinh, cuống quả. 

Theo ông Theo ông Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đây là kết quả SOFRI tập hợp kinh nghiệm từ các nước, vùng lãnh thổ có ngành trái cây phát triển như: Thái Lan, Australia, Đài Loan… để hình thành những tiêu chuẩn thống nhất.

Những tiêu chuẩn đưa ra dựa trên cơ sở đơn vị đo lường trong nước và quốc tế, cũng như thông lệ phổ biến trên thế giới. Dự kiến, bộ tiêu chuẩn này sẽ được SOFRI ban hành ngay trong tháng 7 năm nay.

Qua tìm hiểu sơ bộ, bước đầu nhiều nhà sản xuất lẫn xuất khẩu trái cây đều nhận định những tiêu chuẩn mà SOFRI đưa ra là kịp thời, có tác dụng tốt, nhất là khi thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang ngày càng đến gần.

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam, trước đây, Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn đối với một số loại trái cây, nhưng chỉ đạt yêu cầu đối với tiêu thụ trong nước, chưa có khả năng hội nhập quốc tế.

“Vì thế, những tiêu chuẩn mà SOFRI đưa ra lần này sẽ làm sôi động thị trường trái cây Việt Nam, phần nào giúp người nông dân Việt Nam tiếp cận và cải tiến về trình độ khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất trái cây, đáp ứng được nhu cầu khắt khe của người tiêu dùng quốc tế, trước mắt là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của Việt Nam hiện nay”, ông Nguyễn Văn Kỳ nói.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trái cây lớn nhất nước, với 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu, nhưng việc tiêu thụ ở nước ngoài còn khá bấp bênh. Chất lượng chưa cao lại không đồng đều là một khiếm khuyết lớn khiến trái cây Việt Nam chưa cạnh tranh được với trái cây Thái Lan ở nhiều thị trường nước ngoài.

“Khi tiêu chuẩn của SOFRI được ban hành, những trái cây khiếm khuyết sẽ bị loại bỏ ngay tại nơi sản xuất, sau đó tiến hành phân loại. Làm như thế sẽ hạn chế được chi phí vận chuyển, giữ được thương hiệu trái cây ngon và là bước đệm thuận lợi cho ngành trái cây Việt Nam tiếp tục mở rộng xây dựng tiêu chuẩn cho các loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu khác trong thời gian tới, đặc biệt là trước yêu cầu cấp bách của việc mở rộng thị trường trái cây trong nước và xuất khẩu”, ông Nguyễn Minh Châu nói. 

MỚI - NÓNG