6 tháng đầu năm: Bức tranh kinh tế sáng dần

6 tháng đầu năm: Bức tranh kinh tế sáng dần
6 tháng đầu năm - kim ngạch nhập khẩu đạt 16 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2005, xuất khẩu bình quân đạt 3,017 tỉ USD, thấp hơn mức bình quân kế hoạch 2006, các nhóm mặt hàng công nghiệp nhìn chung tăng khá.

Về thương mại nội địa có tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 221.670 tỉ đồng tăng 19,2% so cùng kỳ 2005. Trong đó kinh tế nhà nước chiếm 11,9%, kinh tế tập thể 1%, kinh tế cá thể 63,2%, kinh tế tư nhân 21,2%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 2,7%.

Đây là kết quả đáng ghi nhận, mặc dù bị tác động bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước nhưng hoạt động thương mại nội địa vẫn thể hiện được vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và đời sống xã hội, giúp cho thị trường tại các vùng miền giữ được cân bằng cung cầu.

Lượng khách quốc tế đến VN trong 6 tháng đầu năm lên đến 1,6 triệu lượt người... lượng khách đến từ Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Nga, Mỹ, Canada, Australia, Thụy Sĩ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào đều tăng so với cùng kỳ, riêng có khách từ Trung Quốc tới là giảm, chỉ bằng 80% so với cùng kỳ 2005.

Về công nghiệp, 6 tháng đầu 2006 tăng 15,9% so cùng kỳ nếu nước ta muốn trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thì trong KH 5 năm tới tốc độ phát triển CN phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,5%.

Theo Bộ trưởng Bộ CN, thách thức mà ngành phải vượt qua trong năm 2006 cũng không nhỏ, sức cạnh tranh hàng hoá còn yếu, nhất là khi chúng ta phải gỡ bỏ, giảm hàng rào thuế quan. Khi sức mua của thị trường xã hội còn yếu.

Mục tiêu phấn đấu của Bộ CN trong năm 2006 là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao và bền vững, phấn đấu nâng cao rõ rệt chất lượng phấn đấu CN có đủ năng lực cạnh tranh...

Nhưng phát triển kinh tế của chúng ta còn "lệch" với bảo vệ môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra trầm trọng. Nước ta hiện có 708 đô thị, nhưng hệ thống thoát nước phần lớn đều thoát chung, được xây dựng cách đây 100 năm.

Nghịch lý còn lại

Tuy tình hình ngày càng sáng sủa dần, nhưng càng dần về đích, nghịch lý chặng đường còn lại lại càng dài hơn, càng lộ rõ. Với nhịp độ tăng trưởng bình quân 8,2% năm, trong nửa cuối chặng đường còn lại phải vọt lên 8,83%. Rõ ràng, đây là mục tiêu khó thực hiện hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8,2% trong năm nay.

Đối với mục tiêu phát triển thị trường, nhịp độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội liên tục được duy trì ở mức hai con số. Đây là điều chưa từng có trong bảy năm qua.

Mặc dù vậy, nhịp tăng đó vẫn còn chậm so với những mục tiêu đã đề ra (tăng bình quân 16% năm), nhịp tăng khả quan này sẽ giảm mạnh nếu loại trừ yếu tố tăng giá. Nhịp tăng nhập khẩu còn mạnh hơn rất nhiều so với xuất khẩu vượt khá xa, so với mục tiêu tăng khống chế ở mức 15%/năm.

Tuy chúng ta thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, nhưng chặng đường còn lại để đạt tới đích phát triển nhanh thì cũng còn khá xa. Đến lượt nó, những sự chậm trễ trong phát triển thị trường đó, lại bắt nguồn từ cơ cấu chưa hẳn đã hợp lý của nền kinh tế nước ta. Điều này được thể hiện ngày càng rõ dưới hai góc độ sau đây:

Một là: Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tuy đã tăng khá mạnh, nhưng chưa đạt như mong muốn, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hoá còn tăng mạnh hơn, cũng vượt rất xa so với mong muốn của nước ta. Điều này cho thấy, sự phát triển của nền kinh tế nước ta phụ thuộc ngày càng nặng nề vào nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường thế giới.

Hai là: Cơ cấu kinh tế hiện nay chẳng những dẫn đến nhập siêu gia tăng và kinh tế tăng trưởng chậm, như đã nói trên, mà còn là một nguyên nhân hết sức quan trọng dẫn đến tình trạng "giậm chân tại chỗ" của thị trường trong nước. Mặt khác, với xu thế phát triển công nghiệp, cũng như dịch vụ ngày càng tập trung nhanh hơn vào một số trung tâm như hiện nay, dân cư khu vực nông thôn hầu như vẫn phải "đứng ngoài rìa làn sóng công nghiệp hoá".

Tóm lại, tuy những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội cho đến nay là to lớn và rất quan trọng, nhưng cả trong cơ cấu các ngành kinh tế, cũng như trong cơ cấu địa bàn phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp, dịch vụ nói riêng đang tồn tại nhiều bất cập đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, tích cực hơn.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng
Viện Kinh tế Việt Nam

Báo Lao động

MỚI - NÓNG