7/2007 : Có thể chào bán cổ phiếu Vietcombank

7/2007 : Có thể chào bán cổ phiếu Vietcombank
Sáng 20/3, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng GĐ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), đã có cuộc tiếp xúc với báo giới với những thông tin mới nhất về lộ trình cổ phần hóa ngân hàng này.
7/2007 : Có thể chào bán cổ phiếu Vietcombank ảnh 1
Trụ sở Vietcombank tại Hà Nội - Ảnh: Việt Tuấn.

Mốc trước ngày 30/8 sắp tới, mốc chờ đợi của các trái chủ trái phiếu chuyển đổi Vietcombank và giới đầu tư, là kết quả của một chuỗi chuẩn bị khá dài hơi và kín kẽ.

Cụ thể, ngày 6/3 vừa qua, Vietcombank và tổ chức tư vấn đã có cuộc họp đầu tiên để xây dựng một lộ trình chi tiết. Nội dung chính đang được tập hợp trong phương án dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 4 này, chậm nhất là trước 10/5.

Dự kiến sau khi nhận phương án, Chính phủ cần khoảng 4 - 5 tuần để lấy ý kiến các bộ, ban ngành liên quan. Theo đó, khoảng đầu tháng 6 phương án sẽ được duyệt. Sau khi duyệt cần có khoảng thời gian khoảng 4 hoặc 5 tuần để Vietcombank chính thức bán cổ phiếu. Nhiều khả năng cổ phiếu Vietcombank sẽ được phát hành lần đầu (IPO) trên thị trường vào tháng 7 hoặc chậm nhất là tháng 8 tới đây.

Theo dự kiến của ông Vũ Viết Ngoạn, nếu tính thêm một tháng dự phòng thì cổ phiếu Vietcombank sẽ có mặt vào khoảng đầu tháng 8; còn trong phương án trình Chính phủ đề ra mục tiêu là trước 30/8.

Niêm yết sớm

Ông Ngoạn cho rằng, việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược cũng là một khó khăn bởi theo kế hoạch, VCB sẽ chỉ bán ra bên ngoài 10% cổ phần, tức là khoảng 60-70 triệu USD. Con số này không hấp dẫn đối với những nhà đầu tư có tiềm năng thật sự mà VCB muốn nhắm đến.

"Nhiều tập đoàn tài chính nói rằng, nếu dưới 100 triệu USD thì họ không quan tâm", ông Ngoạn cho biết.

Ông Ngoạn cho biết thêm, song song với việc cổ phần hóa, Chính phủ cũng đang chỉ đạo VCB xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa năng với mục tiêu mở rộng hoạt động đầu tư sang các lĩnh vực như bất động sản, đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ ngoài ngân hàng.

Hiện tại, VCB đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lựa chọn dự án quy mô lớn, khoảng 1 tỷ USD để liên doanh với các đối tác rót vốn đầu tư.

Ông Ngoạn cho biết, sau khi tiến hành IPO, cổ phiếu Vietcombank sẽ nhanh chóng được niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán.

Tất nhiên, trước hết phải là bước IPO, một cuộc đấu giá hứa hẹn sẽ rất căng thẳng. Dự kiến sẽ chỉ có 10% cổ phần được bán ra, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng mệnh giá. Kế đến là họp đại hội cổ đông thông qua điều lệ và thông qua kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Sau đó mới đến bước niêm yết.

Nhưng những bước kỹ thuật trên theo kế hoạch là sẽ triển khai khá nhanh để cuối tháng 10/2007 cổ phiếu Vietcombank sẽ có tên trên bảng giao dịch của trung tâm giao dịch chứng khoán.

“Cũng có ý kiến là nếu xong IPO sớm trong tháng 7 mà tháng 10 mới lên sàn thì hơi lâu. Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, thời gian từ IPO đến niêm yết không nên để quá 8 tuần; nếu để lâu quá sẽ ảnh hưởng vì thị trường OTC bên ngoài sẽ biến động, làm mất lòng tin của nhà đầu tư”, ông Ngoạn nhận định.

Về tổng thể, lịch trình nói trên theo ông Ngoạn là “có khả năng thực hiện được”.

Xa hơn một chút, trong năm 2008, Vietcombank sẽ IPO tại thị trường nước ngoài. Đích ngắm hiện nay là thị trường Hồng Kông và Singapore. Cuối tuần này, lãnh đạo Vietcombank sẽ sang Hồng Kông để tìm hiểu thông tin; điểm đến Singapore cũng sẽ được khảo sát trong thời gian tới. Tất nhiên, trong hai sàn này chỉ được chọn một.

Theo Đăng Long
TBKTVN

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.