ADB dự kiến cho Việt Nam vay tối đa 4 tỷ USD

ADB dự kiến cho Việt Nam vay tối đa 4 tỷ USD
Trong 3 trụ cột hợp tác giai đoạn mới của ADB với Việt Nam có hướng đến hỗ trợ cải cách cơ cấu và chính sách, cải cách DNNN. Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ thực tế lại phụ thuộc vào đánh giá hiệu quả hoạt động.
Cơ cấu phân bổ các khoản vay của ADB
Cơ cấu phân bổ các khoản vay của ADB.

Chiều 31-10-2012, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) họp báo công bố Chiến lược đối tác quốc gia với Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.

Dự kiến, trong giai đoạn này, ADB sẽ cấp tối đa cho Việt Nam khoản vay trị giá 3,892 tỷ USD bên cạnh khoản hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại gần 24,6 triệu USD.

Ở đây, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam lưu ý, con số kế hoạch dự kiến về nguồn vốn vay thông thường là 943 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2013-2014 và 760 triệu USD cho năm 2015.

Dự kiến vốn phân bổ từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) giai đoạn 2013-2014 là 385 triệu USD mỗi năm và 395 triệu USD cho năm 2015.

Tuy nhiên, số vốn ADF phân bổ thực tế cho Việt Nam vào 2013-2014 sẽ phụ thuộc vào các đánh giá hiệu quả hoạt động của Việt Nam, theo hướng phân bổ trên cơ sở hiệu quả hoạt động. Điều này cũng có nghĩa là nếu chương trình trước hoạt động không hiệu quả thì nguồn này có thể giảm hoặc dừng.

Ba trụ cột chiến lược mà ADB xác định cho Việt Nam trong lần hợp tác giai đoạn mới này gồm tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu suất kinh tế và môi trường bền vững.

Trong đó, trụ cột tăng trưởng toàn diện sẽ giúp Việt Nam giảm số người nghèo thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn, tiếp cận với các nguồn lực kinh tế và hỗ trợ các cơ hội giáo dục đào tạo.

Trụ cột nâng cao kinh tế sẽ hướng đến hỗ trợ cải cách cơ cấu và chính sách, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường công tác lập kế hoạch đầu tư công, phát triển khu vực tài chính theo chiều sâu để huy động vốn tư nhân.

Và trụ cột môi trường bền vững giúp Việt Nam đối phó với những thách thức môi trường, biến đổi khí hậu ở cấp trung ương và địa phương thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên, áp dụng công nghệ sạch trong lĩnh vực hạ tầng.

Theo Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG