Kết luận hàng loạt sai phạm tại Ngân hàng NN&PTNT:

Agribank “tự gây thiệt hại” trên 25 tỷ đồng

Agribank “tự gây thiệt hại” trên 25 tỷ đồng
TP - Đề nghị Thống đốc NHNN đề xuất xử lý những cán bộ sai phạm; Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị sai phạm nộp lại trên 25 tỷ đồng
Agribank “tự gây thiệt hại” trên 25 tỷ đồng ảnh 1

Tòa nhà H2 - Láng Hạ, nay là trụ sở chính của gribank  
Ảnh: Phạm Yên

Theo nguồn tin của Tiền phong, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ký kết luận thanh tra hàng loạt dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm trọng thiết bị… tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), giai đoạn 2000-2004.

Kết quả thanh tra cho thấy, phần lớn các dự án đầu tư này đều có những sai phạm nghiêm trọng.

Theo Agribank, từ năm 2000-2004, ngân hàng này xây dựng 563 công trình, với tổng vốn đầu tư trên 697 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2004, đã có 552 công trình hoàn thành được bàn giao đưa vào sử dụng và đã phê duyệt quyết toán hơn 596,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, Agribank còn đầu tư nhiều dự án mua sắm thiết bị tin học, mua sắm 400 ô tô chuyên dùng, với tổng vốn đầu tư đã quyết toán là hơn 430,6 tỷ đồng. Kết quả thanh tra ban đầu cho thấy, mới chỉ qua xem xét một số dự án đầu tư lớn, phát hiện Agribank đã “tự gây thiệt hại” cho chính mình, mà thực chất là gây thiệt hại cho ngân quỹ Nhà nước trên 25 tỷ đồng.

Góp tiền nhiều, nhận phần ít

Năm 1994, Agribank ký hợp đồng liên doanh hợp tác đầu tư với một Tổng Cty Xây dựng để xây dựng toà nhà H2-Láng Hạ. Theo thiết kế, toà nhà cao 14 tầng, có tổng vốn đầu tư gần 45,7 tỷ đồng, do Tổng Cty này thi công. Theo báo cáo của Agribank, đến tháng 6/1997, công trình hoàn thành phần thô, giá trị quyết toán phần thô gần 26,5 tỷ đồng.

Đây là công trình liên doanh giữa Agribank và Tổng Cty xây dựng. Theo thoả thuận, Tổng Cty kia góp 34% vốn, Agribank góp 66% vốn. Tổng số vốn đầu tư hai bên đã góp là 36,863 tỷ đồng (trong đó Agribank đã gần 24 tỷ đồng (chiếm 64,9%), Tổng Cty xây dựng góp gần 13 tỷ đồng (chiếm 35,1%).

Tuy Agribank góp vốn gần gấp đôi Tổng Cty xây dựng nhưng lại chỉ được chia 7.094,9 m2 sàn (chỉ chiếm 56,03% diện tích), trong khi đó Tổng Cty xây dựng lại được chia  tới 5.567,9 m2 sàn (chiếm tới 43,97% diện tích). Với dự án liên doanh này, lãnh đạo Agribank đã tự “biếu” không cho Tổng Cty xây dựng nhiều tỷ đồng (tính trên giá trị diện tích sàn xây dựng), tự làm trái với những cam kết tại hợp đồng liên doanh và tỷ lệ góp vốn thực tế.

Không chỉ có vậy, khi công trình hoàn thành, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty xây dựng nói trên có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình này lên tới hơn 72,44 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 58,48 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư hơn 12,79 tỷ đồng. Theo TTCP, đây là việc làm trái quy chế đầu tư xây dựng, nên về nguyên tắc thì số tiền trên không được quyết toán vốn đầu tư.

Qua kiểm tra việc quyết toán, TTCP còn phát hiện ở các hạng mục như: Điều hoà trung tâm, khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước và lắp đặt thiết bị điện đã quyết toán khống hơn 1,22 tỷ đồng. Cho đến nay, dù công trình này đã được bàn giao và đưa vào sử dụng được 6 năm (từ năm 1999), nhưng Agribank vẫn chưa đưa công trình vào tính khấu hao. Theo TTCP thì đây là việc làm trái chế độ tài chính, cần phải được kiểm điểm, xử lý nghiêm minh.

Mua 300 ô tô chở tiền: Loại nhà thầu giá thấp, chọn nhà thầu giá cao

Năm 2002, Agribank triển khai dự án mua 300 ô tô chuyên dụng chở tiền, với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 97,31 tỷ đồng. Sau đó dự án được điều chỉnh vốn lên 129,753 tỷ đồng. Có 3 nhà thầu tham gia xét thầu dự án này, gồm: Sojitz Machinery Corporation Japan chào thầu với giá dự thầu là 98,888 tỷ đồng; Nhà thầu Chase Enterprise chào thầu giá 109,804 tỷ đồng; Nhà thầu Samsung chào thầu với giá 91,817 tỷ đồng (đã quy đổi ra VNĐ).

Như vậy, giá chào thầu của Samsung là thấp nhất. Tuy nhiên nhà thầu này lại bị loại, thay vào đó nhà thầu bỏ giá cao nhất là Chase Enterprise lại được chọn thầu, Agribank tự gây thiệt hại  cho mình gần 18 tỷ đồng. Giải trình về quyết định tréo ngoe này, lãnh đạo Agribank cho rằng, vì Samsung không đáp ứng được tiêu chí trong hồ sơ mời thầu “kinh nghiệm và hoạt động của nhà chế tạo hoặc nhà sản xuất loại xe tương tự từ 5 năm trở lên” mà chủ đầu tư đặt ra.

Trong khi đó, Chase Enterprise giới thiệu loại xe MISTUBISHI, loại PAJRERO đã được sản xuất từ năm 1998 (trên 5 năm). Tuy nhiên, theo TTCP, việc Agribank tự đặt ra tiêu thức đó để loại 2 nhà thầu có giá rẻ hơn là trái với quy định của Chính phủ.

Với những sai phạm trên, cùng với hàng loạt những sai phạm ở các dự án khác, TTCP đề nghị Agribank và các đơn vị sai phạm nộp lại vào tài khoản tạm giữ của TTCP trên 25 tỷ đồng, đồng thời đề nghị Thủ tướng yêu cầu Thống đốc NHNN kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý với từng cán bộ sai phạm báo cáo Thủ tướng.
  

Kỳ sau: Các dự án tin học: “Trả tiền mua dê, nhận thịt chó”

MỚI - NÓNG