Ai bán, ai mua?

Một quảng cáo đăng trên trang web để rao bán thông tin cá nhân
Một quảng cáo đăng trên trang web để rao bán thông tin cá nhân
TP - Từ vụ cơ quan An ninh điều tra, xử lý ba cá nhân tại TPHCM, bán thông tin cá nhân của người khác, phóng viên Tiền Phong tìm hiểu, hoá ra thị trường “bán cái không phải của mình” này lâu nay hoạt động khá sôi động. Ai là thủ phạm chính của những thương vụ này, liệu các nhà mạng có vô can?

> Phá vụ mua bán thông tin cá nhân trái phép

Một quảng cáo đăng trên trang web để rao bán thông tin cá nhân
Một quảng cáo đăng trên trang web để rao bán thông tin cá nhân.
 

Vô tư rao bán

Gõ dòng chữ “Bán danh sách thông tin khách hàng” trên Google, rất nhiều kết quả rao vặt liên quan đến việc bán thông tin cá nhân cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu hiện ra. Không chỉ công khai số điện thoại, địa chỉ mail, nick chát, trên các trang quảng cáo rao vặt, các website, các mạng xã hội, nhiều người buôn thông tin cá nhân còn dầy công xây dựng các thông tin quảng cáo rất hấp dẫn, với cam kết hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng mua thông tin.

“Mỗi sản phẩm hay dịch vụ đều phục vụ cho một khách hàng mục tiêu cụ thể, do đó doanh nghiệp cần lựa chọn công cụ direct marketing phù hợp. Trong đó, vấn đề then chốt tạo nên thành công của mỗi chiến dịch là làm sao để truyền tải thông điệp sản phẩm, dịch vụ đến với các khách hàng mục tiêu”-thành viên Bui tung quảng cáo trên trang Vatgia.com.

Khẳng định đẳng cấp trên trang J....com, người tên Long cho biết đã từng làm ở công ty truyền thông nên có được danh sách khách hàng, đầy đủ các lĩnh vực ngành nghề. “Đầu tháng 10-2009 mình cập nhật được hơn 10.000 doanh nghiệp, mình đã ghi ra đĩa CD, chỉ bán giá 300.000 đồng thôi... nếu sau khi nhận đĩa CD bạn không hài lòng mình sẽ trả lại tiền”- Thành viên này tuyên bố.

Còn tại website www.danh....com, người bán thông tin cá nhân quảng cáo có danh sách thông tin của 9.728 giám đốc các công ty, 1.200 chủ tịch hội đồng quản trị, 850 thành viên câu lạc bộ doanh nhân 2030, 650 thành viên câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, 1.300 khách hàng đã sở hữu các xe Mercedes, 750 khách hàng sở hữu xe BMW, 1.300 hội viên của Bệnh viện quốc tế cao cấp FV, 10.000 khách hàng của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim...

Một ngày sau khi cơ quan An ninh điều tra phát hiện, điều tra những cá nhân liên quan việc rao bán thông tin này, trang web đã bị đóng cửa.

Thông tin cá nhân, ai làm lộ?

Việc thông tin cá nhân bị xâm phạm gây khá nhiều phiền toái cho những người bị lộ thông tin ngoài ý muốn. “Vừa cầm đăng ký kinh doanh được mấy ngày thì hàng loạt đơn vị gọi điện giới thiệu, đề nghị làm dịch vụ kê khai thuế hàng tháng, nhận in hóa đơn. Tôi không hiểu vì sao họ có được thông tin của tôi và doanh nghiệp nhanh như vậy trong khi tôi mới chỉ kê khai thủ tục và thông tin ở Phòng cấp phép Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT Hà Nội”, chị Thủy, Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội, cho biết.

Từng là nạn nhân của tình trạng bị rao bán thông tin trái phép, chị H., thành viên câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho biết, một thời gian ngắn trước đây có thời điểm một ngày chị nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn mời mọc mua các dự án đất nền, biệt thự nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp ở Hà Nội cùng các tỉnh phụ cận ở phía Bắc.

“Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên khi những người gọi mời chào mua bất động sản nắm rất rõ thu nhập của tôi và mối quan tâm của tôi đối với các loại hình bất động sản khác nhau. Sau đó, tôi phát hiện các đơn vị trên đã lấy thông tin từ mẫu khai rất cụ thể về thu nhập, số tiền tôi đang sở hữu là tiền vay ngân hàng hay tiền cá nhân khi gia nhập câu lạc bộ bất động sản. Tôi đã yêu cầu nơi làm lộ thông tin của tôi phải chấm dứt cung cấp thông tin của tôi cho các đơn vị khác. Tuy không gọi điện trực tiếp nhưng giờ họ lại chuyển sang gửi thư điện tử mời chào, nhiều lúc phát bực”- Chị H nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện MobiFone không thể khẳng định, việc thông tin 30.000 thuê bao Mobifone trả sau tại TPHCM bị rao bán trên mạng xuất xứ từ đâu. Có thể danh sách các thuê bao sử dụng số MobiFone rao bán được lập từ nhiều nguồn, còn lấy dữ liệu thông tin khách hàng của MobiFone từ trung tâm dữ liệu của mạng là điều không thể thực hiện được.

“Với hệ thống bảo mật dữ liệu của MobiFone hiện nay, không thể cóp được danh sách hàng nghìn khách hàng như vậy được. Chúng tôi cam kết bảo mật tuyệt đối thông tin của khách hàng”- Vị này khẳng định.

Theo quy định tại khoản 1 mục b điều 226 Bộ luật Hình sự, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng, hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó là vi phạm pháp luật hình sự.

 

Đại diện Viettel và Vinaphone cũng khẳng định không thể có chuyện dữ liệu khách hàng của các mạng được bán ra bên ngoài. Bởi các mẫu khai thông tin của chủ thuê bao hiện nay gửi các mạng di động chỉ có thông tin về ngày sinh, tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại đăng ký chứ không có thông tin về sở thích, mức thu nhập, các sản phẩm, dịch vụ quan tâm. Vì vậy, không đủ hấp dẫn để có thể bán được.

“Các thông tin rao bán trên mạng hiện nay được phân loại rất kỹ, chia ra nhiều danh mục để bán cho các ngân hàng, trung tâm kinh doanh, công ty môi giới là chủ yếu. Vì vậy, để có thông tin chi tiết về mức thu nhập của khách hàng thì phải lấy từ các nguồn khác (ví dụ như từ các câu lạc bộ doanh nhân, golf, bất động sản, trung tâm chăm sóc sức khoẻ, các sàn giao dịch bất động sản…) chứ không thể từ các nhà mạng”- Vị đại diện Vinaphone khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG