Ai bán nợ, tôi mua

Ai bán nợ, tôi mua
TP - Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ thành lập Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC). Ba năm sau khi  hoạt động, kết quả ra sao?
Ai bán nợ, tôi mua ảnh 1

Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (DATC) ra đời vốn điều lệ ban đầu là 2.000 tỷ đồng, Chính phủ kỳ vọng DATC sẽ trở thành Cty chuyên xử lý nợ quốc gia nhằm giúp các DNNN giải quyết nhanh những khoản nợ xấu, minh bạch hoá tài chính trước khi bước vào CPH.

Doanh nghiệp sợ bán nợ 

Trưởng phòng pháp chế DATC Nguyễn Mạnh Thường cho biết: “Mua bán nợ lòng vòng giữa các DNNN với nhau và với Ngân hàng Thương mại (NHTM) chiếm tỷ trọng lớn.

Các khoản nợ đề nghị bán cho tổ chức xử lý nợ đều thuộc diện khó đòi (quá hạn 2-3 năm trở lên, có phán quyết của tòa án nhưng không thi hành được) trong khi đó các chủ nợ luôn đưa ra giá bán từ 70% -80% mệnh giá; thậm chí có đơn vị còn nhìn DATC như tổ chức đòi nợ thuê nên rất khó mua được các khoản nợ”.

Trong số 3.100 DNNN đã cổ phần hóa, DATC đã tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng của khoảng 1.446 DN với giá trị nợ và tài sản tiếp nhận theo sổ sách là 1.586 tỷ đồng. Kể từ ngày đi vào hoạt động, DATC đã xử lý một phần tài sản nợ đọng và nợ khó đòi theo sổ sách là 402 tỷ đồng; giá trị thực tế thu hồi cho Nhà nước là 132 tỷ đồng.

Hiện DATC đã thực hiện phương án mua nợ và tài sản đảm bảo của các DNNN và các NHTM theo chỉ định trị giá khoảng 500 tỷ đồng.

Dự kiến đến cuối năm 2006 sẽ thực hiện mua nợ và tài sản đảm bảo theo chỉ định thỏa thuận từ 300-500 tỷ đồng. Hiện DATC đang chuẩn bị thành lập thêm một số phòng chức năng và các trung tâm xử lý nợ, bán đấu giá tài sản... 

Đi mua nợ tồn đọng, khó nhất điều gì?

Hơn 3 năm trực tiếp làm về mảng pháp chế, ông Thường cho biết:

Lãnh đạo DNNN thường ngại tiếp xúc và bán nợ do tâm lý sợ trách nhiệm, không muốn phá dỡ những gì đã có sẵn từ trước đặc biệt những nón nợ do các đời giám đốc cũ để lại.

Ngoài ra, việc sợ bán nợ của DNNN còn do tâm lý nếu không bán nợ, giá trị khoản thu vẫn được phản ánh trên sổ kế toán và được tính nguyên giá trị theo mệnh giá vào tổng tài sản  của DN.

Còn với các “con nợ” thì không muốn gặp các tổ chức xử lý nợ để bàn việc tháo gỡ, thậm chí nhiều khách nợ cá nhân còn cố tình chây ì, hoặc có khách nợ lợi dụng việc chuyển quyền sở hữu để dây dưa không trả nợ, chiếm dụng vốn.

Liên quan đến khoản nợ chương trình đánh bắt cá xa bờ, ông Thường kể: “Khi cán bộ định đến gặp chủ tàu để thẩm định xem con tàu ra sao, bàn bạc tái cơ cấu thời hạn trả nợ thì đi đến mấy lần vẫn không gặp được do chủ tàu đi biển”.

Điều DATC muốn kiến nghị lúc này là các DNNN nên tự xử lý nợ tồn đọng bằng chính nội lực của mình trong một thời hạn nhất định (1- 2 năm). Nếu không được thì có trách nhiệm phải bán hoặc chuyển giao có bồi hoàn cho tổ chức xử lý nợ quốc gia theo cơ chế giá thị trường với một lộ trình cụ thể.

Giúp lành mạnh hóa tài chính

Trong 3 năm qua, DATC đã thực hiện khá nhiều thương vụ mua bán nợ, góp phần lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp. Theo ông Thường, vụ mua bán nợ xấu của Ngân hàng xuất nhập khẩu (Eximbank) là một ví dụ.

Ngay sau khi DATC mua những khoản nợ xấu, yếu và xử lý, uy tín của NHTM lập tức tăng trên thị trường, mệnh giá cổ phiếu của Eximbank lên cao hơn so với trước.

Hay chuyện DN Gốm Xuân Hoà trước khi cổ phần đã được DATC mua nợ giúp. Việc xử lý nợ xấu đã khiến tài chính của DN này minh bạch hơn, giúp giá cổ phiếu ngay khi giao dịch trên thị trường OTC đã đạt mức mà trước đó mọi người không dám tin.

Gần đây nhất, DATC đang thương thuyết để mua nợ của một Cty phía Nam. “Chúng tôi sẽ đảm bảo giúp DN này sớm chủ động quyền trong cổ phần hoá”- Ông Thường nói.

Đề cập đến việc mua nợ xấu của các NHTM, DATC sẽ mua những khoản nợ xấu nào và tỷ lệ bao nhiêu, Cty này cho hay điều này sẽ tuỳ theo thoả thuận và khoản nợ mà DATC sẽ ký kết với mỗi NHTM.

“Giá cả thì sẽ phụ thuộc vào chất lượng khoản nợ, chất lượng tài sản bảo đảm. Nhưng tất nhiên phải trên nguyên tắc rủi ro càng lớn giá mua càng thấp”- Ông Thường nhấn mạnh.

Trên thực tế có khoản nợ DATC phải mua tới 45% mệnh giá trong khi theo thông lệ quốc tế khoản nợ có tài sản đảm bảo cũng chỉ mua tối đa 20-30% (Hàn Quốc trung bình là 37%) nhưng ngược lại có những khoản nợ xấu giá mua chỉ tượng trưng ( giống câu chuyện một giám đốc người Việt mua lại DN liên doanh ở Đồng Nai chỉ  với giá 1 USD - PV).

MỚI - NÓNG