Ai dám đứng ra mua nợ xấu?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Chưa bao giờ Chính phủ chỉ đạo các Ngân hàng nhà nước(NHNN) xử lý nợ xấu quyết liệt như hiện nay. Tuy nhiên, quá trình giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có quá nhiều nước mắt.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thời điểm “nguy hiểm” nhất đó là bắt đầu từ cuối năm 2011, khi thanh khoản của nhiều ngân hàng gặp cú sốc, giá vàng sụt, tỉ giá biến động mạnh. Thời điểm đó chúng tôi vô cùng lo lắng, vì từ thanh khoản khó khăn tới nợ xấu gia tăng, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ hệ thống rất có thể xẩy ra. Sau 3 năm, thanh khoản hệ thống, thị trường hối đoái mới bắt đầu dần trở lại ổn định.

Tiến sỹ Lê Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm bộ môn Ngân hàng thương  mại, Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện nay cơn bão nợ xấu ở Việt Nam đã đi qua. Theo thống kê từ năm 2012, Fitch, Moody’s và NHNN đều đưa ra những con số khác nhau nhưng đều là những con số nợ khổng lồ. Tuy nhiên, mới đây  nợ xấu của hệ thống ngân hàng đạt đúng như kỳ vọng mà Thống đốc NHNN đã hứa trước Quốc hội mặc dù vẫn còn nghi ngờ có đúng là đã đưa về 3% hay chưa và có đúng thông lệ quốc tế hay không. Cũng theo TS Tâm, quá trình xử lý nợ xấu đã có quá nhiều máu và nước mắt. Sở dĩ có chuyện đó là quá trình làm việc với Bộ Công an về vấn đề xử lý nợ xấu, được biết lần đầu tiên trong ngành ngân hàng có quá nhiều người bị bắt cũng chỉ vì liên quan đến vấn đề nói trên.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết: quá trình thu hồi nợ nhiều rắc rối khi VAMC không có quyền chủ động xử lý những khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt, không có nhiều vai trò định đoạt tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu đã mua. VAMC được cho tiền thật với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ bởi, chưa có thị trường mua bán nợ. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định của pháp luật. VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ. Ông Hùng đặt ra câu hỏi: cần làm rõ các vấn đề như mua bán cho ai; nếu xảy ra thua lỗ thì trách nhiệm thuộc về ai; hồi tố ra sao; mua nợ theo giá thị trường thì phải thỏa thuận như thế nào là minh bạch? Hoặc nếu bán nợ với giá 50% nợ gốc thì trách nhiệm đó thuộc về ai, có bị xử lý hình sự hay không?

MỚI - NÓNG