Ai đang 'trục lợi' tại dự án Thủ Thiêm?

Ai đang 'trục lợi' tại dự án Thủ Thiêm?
TP - Để biến Thủ Thiêm thành “Phố Đông” của TPHCM, năm 2003, UBND TPHCM tổ chức một cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và giao cho Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm ký kết với Cty SASAKI gói thầu thiết kế quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm trị giá 600.000 USD. 

>> TP.HCM: Đất ở quận 2 đã bị 'xà xẻo' như thế nào?

Ai đang 'trục lợi' tại dự án Thủ Thiêm? ảnh 1
Hàng loạt dự án phân lô bán nền đã “đè” lên khu công viên, công cộng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Bản thiết kế này đã được UBND TPHCM chấp thuận và Bộ Xây dựng thẩm định thông qua.

Nhưng 3 năm đã trôi qua, TPHCM vẫn lúng túng chưa biết làm cách nào để thực hiện trọn vẹn ý tưởng được xem là hợp lý nhất của SASAKI vì đất đai tại đây từ lâu đã bị UBND TPHCM lỡ “chia năm xẻ bảy” cho các Cty địa ốc, các dự án.

Không chỉ vậy, hàng chục hécta đã bị biến đổi công năng, san lấp, lấn chiếm bất hợp pháp khó phục hồi để thu lợi hàng ngàn tỷ đồng. Và nhiều biện pháp “sửa sai” không giống ai đã được “vẽ” ra...

Sau khi được Chính phủ cho thu hồi đất, khi chưa có bản thiết kế hoàn chỉnh thì UBND TPHCM lại giao đất cho 28 Cty, chủ đầu tư để họ phân lô bán nền. Nay “vướng” thiết kế SASAKI, UBND TP phải điều chỉnh quy hoạch đã thông qua để “giữ đất” cho những dự án trên.

Trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất do Cty SASAKI xác lập được đính kèm với quyết định đã duyệt, UBND TPHCM cho vẽ một đường ranh mới để phù hợp với ranh giới của 28 dự án đã, đang được phân lô, bán nền!

Nhiều cử tri quận 2 đã đặt nghi vấn “đây có phải là những thửa đất nằm trong số 80 ha đã lấn một phần đất trong số 160ha tái định cư mà Chính phủ đã phê duyệt, dẫn đến việc người dân khiếu kiện suốt 10 năm qua?”.

80 ha này, UBND TPHCM cho là đất chỉnh trang nhưng thực tế tất cả đều là những dự án mới với gần 50% đất đang bị bỏ hoang do các Cty địa ốc hoặc chưa triển khai hoặc đã bán nền.

Trong số 28 Cty được giao đất thì chỉ có Cty Lê Quan là được Chính phủ giao 48.602m2 đất trước khi có quyết định 367/QĐ - TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn 27 dự án nằm trong khu vực 80 ha chỉnh trang mở rộng đều được UBND TPHCM  trực tiếp giao đất hay trình Chính phủ giao đất sau QĐ367/QĐ - TTg như: giao cho Cty may thêu Lan Anh 38.190m2; Cty Phát triển nhà Thủ Đức 17.063m2 đất, giao 13.462m2 đất cho Cty Cổ phần Hà Quang...

Khi Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm tiến hành “công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính toàn khu dân cư phía Đông và khu dân cư Bình Khánh” thì “mắc” 2 dự án phân lô. Để hợp thức hoá và giữ đất cho hai dự án trên, Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm trình UBND TPHCM xin điều chỉnh quy hoạch khu dân cư phía Đông dù thiết kế của SASAKI bị phá vỡ.

Ngày 20/7/2006, UBND TPHCM liền ra công văn chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo như “nguyện vọng” của Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm!? Thay vì thu hồi một phần đất hai dự án trên để giữ nguyên quy hoạch do SASAKI thiết kế đã được Bộ Xây dựng thẩm định, người ta đã tiến hành những điều chỉnh khiến quy hoạch không còn nguyên vẹn.

Ngay cả việc đền bù thu hồi đất giữa dự án của các Cty trên và người dân cũng có sự chênh lệch khó hiểu. Hơn 2.811m2 đất kênh rạch của Cty Lan Anh được UBND quận 2 đề nghị bồi thường với giá quy đổi là 1,8 triệu đồng/m2 nhưng đất trồng cây lâu năm của dân lại bồi thường 300.000đồng/m2!?

Đáng nói hơn, đất phải đền bù trên lại được UBND TP HCM giao sau khi Thủ tướng đã phê duyệt, đồng nghĩa với việc UBND TPHCM hoàn toàn có thể tiết kiệm được khoản tiền này!?

Theo quy hoạch đã được duyệt, có con kênh hiện hữu cải tạo thành kênh thoát nước có tác dụng thoát nước cho dự án 131 ha và các dự án lân cận, nhất là cho khu dân cư hiện hữu phường Bình An. Vậy mà toàn bộ con kênh này đã bị Cty Cơ khí 78 và Cty Sài Gòn 5 san lấp, bán nền để xây hàng trăm căn nhà, biệt thự mà giá thị trường hiện nay không dưới 25 triệu đồng/m2.

Ai đang 'trục lợi' tại dự án Thủ Thiêm? ảnh 2
Cty Phát triển nhà Thủ Đức đã san lấp hàng ngàn mét vuông đất lấn sông Sài Gòn

Ngay cả khu đất trên quy hoạch là công viên cây xanh, khu công cộng hay “lá phổi” của Thủ Thiêm trong tương lai được giới hạn bởi khu dân cư phía bắc, khu dân cư phía Đông, hiện cũng đang bị nhiều Cty phân lô bán nền từ lâu như:

Cty Khởi Thành, Him Lam, Trường Thịnh, Bình Minh hay khu nhà ở của cán bộ - công nhân viên huyện Cần Giờ... sau khi được chính quyền các cấp tại TPHCM giao đất, cho phép.

Nghiêm trọng hơn cả là việc hàng loạt Cty địa ốc lấn chiếm, san lấp sông Sài Gòn để bán nền, xây dựng công trình riêng với hàng chục ngàn mét vuông như Tân Hoàng Uy, Cty Phát triển nhà Thủ Đức đã làm nhưng chỉ bị “tạm dừng, kiểm điểm trách nhiệm” và “xử lý nghiêm” trên... giấy tờ.

Cho đến nay, các trường hợp lấn chiếm trên vẫn “giữ nguyên hiện trạng” và nhiều người đang lo ngại “chìm xuồng”. Chưa kể sai phạm trên sẽ góp phần làm ngập úng, xói lở nguy hiểm cho các môi trường nước lẫn người dân ở đây.

Sau những cơn sốt địa ốc, đất tại quận 2 đã bị đẩy lên hàng chục lần và những người hưởng lợi nhiều nhất chính là giới đầu cơ và các Cty được giao đất dự án mà thực chất là chỉ đền bù, giải toả rồi phân lô bán nền.

Lẽ ra TPHCM có thể đem ra đấu giá những khu đất vàng tại đây mà nhiều nơi nay đã lên xấp xỉ gần 100 triệu đồng/m2 thay vì chỉ thu được số tiền không đáng kể khi giao đất cho các Cty địa ốc.

Được gọi dưới cái tên “quy hoạch, chỉnh trang đô thị” nhưng đa số các dự án đều tìm cách phân lô bán nền nhanh và nhiều nhất. Bên cạnh đó người dân cũng không phải bức xúc khi đất bị thu hồi với giá thấp rồi được rao bán với giá cao.

Họ được hứa hẹn tái định cư với “cuộc sống” tốt hơn nơi ở cũ nhưng quĩ nhà, đất tái định cư của quận 2 dù đã cố hết sức nhưng vẫn thiếu trên 3.000 căn hộ và hơn 500 nền đất.

Trớ trêu hơn, trong lúc thành phố này cạn kiệt quỹ đất, nhà tái định cư thì ngay tại trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, đất đang bị lấn chiếm, sang nhượng.

Người dân TPHCM nào cũng muốn thấy Thủ Thiêm mau chóng trở thành khu đô thị khang trang, hiện đại nhưng với cách làm, xử lý những sai phạm như hiện nay thì liệu thời gian “rùa bò” đã hơn 11 năm cho khu đô thị này sẽ còn kéo dài bao lâu?

MỚI - NÓNG