Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động?

TPO - Câu chuyện về minh bạch doanh thu phí đường bộ tiếp tục "nóng" thời gian gần đây, khi một số vụ việc liên quan tới che giấu doanh thu phí xảy ra. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí tự động không dừng lại chậm tiến độ, dù lợi ích của nó ai cũng thấy rõ.
*****
Mập mờ việc thu phí thủ công ở các trạm BOT

Trước Tết Nguyên đán ít ngày, một số cá nhân của Cty Yên Khánh bị cơ quan điều tra khởi tố vì dùng công nghệ che giấu, giảm doanh thu thu phí thực tế trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Mới đây nhất, ngay mùng 2 Tết Kỷ Hợi, vụ cướp 2,22 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm thu phí trên cao tốc TPHCM - Dầu Giây cũng khiến nhiều người nghi ngờ về doanh thu thực của trạm thu phí này. Một số ý kiến cho rằng, doanh thu mỗi ngày của trạm thu phí này cao hơn nhiều con số báo cáo. Dù sau đó, Cty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị thu phí) có lý giải hơn 3,2 tỷ đồng trong két sắt tại trạm thu phí khi xảy ra vụ cướp là tiền của 8 ca thu phí từ ngày 4 đến 6/2/2019. 

Liền sau đó, Tổng Cty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục lên tiếng để thuyết phục dư luận về sự minh bạch, chặt chẽ trong thu phí đường cao tốc. Lãnh đạo VEC cho rằng, đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuân thủ các quy định hiện hành. VEC đã xây dựng các quy trình tổ chức thu, giám sát thu, hậu kiểm và đảm bảo minh bạch, công khai, quản lý chặt chẽ chống thất thoát tiền thu phí. Ngoài sử dụng con người, còn có phần mềm, camera để giám sát thu phí... Hằng ngày, các đơn vị được VEC giao thu phí đều báo cáo về lưu lượng, doanh thu từng trạm thu phí gửi về VEC. Định kỳ hằng quý, VEC báo cáo Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT... 

Tuy nhiên, những lý giải trên của VEC và các đơn vị thành viên vẫn không thuyết phục được những nghi ngờ của dư luận, khi thu phí vẫn thực hiện thủ công. 

Từ năm 2017, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phải thực hiện thu phí tự động không dừng tại các trạm trên toàn bộ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh trong năm 2018, và các trạm thu phí BOT khác trong năm 2019. Rất tiếc, đến hết năm 2018 tiến độ thực hiện thu phí tự động của Bộ GTVT chậm so với mốc kế hoạch Thủ tướng giao. Rất nhiều vướng mắc đã được chỉ ra, dù lợi ích của thu phí tự động ai cũng thấy rõ. 

Hệ thống thu phí các tuyến cao tốc của VEC vẫn thực hiện thu thủ công qua thẻ từ. Trong khi đó, việc áp dụng thu phí tự động vẫn ở dạng thí điểm. Theo lý giải của lãnh đạo VEC, đơn vị đang chuẩn bị đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Còn đơn vị thu phí tự động mà Tổng cục Đường bộ đang chọn (VETC) không đáp ứng đủ năng lực tài chính để cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho toàn bộ trạm thu phí cao tốc của VEC, nên VEC cần thêm thời gian đấu thầu chọn đơn vị khác.

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động? ảnh 1Trạm thu phí Dầu Giây.


*****

Thu phí tự động không dừng: Ai đang tạo thêm các rào cản?

Đứng sau các dự án BOT giao thông là các ngân hàng tài trợ vốn, với tỷ lệ cho vay lên tới 80-90% vốn đầu tư. Có thể nói, ngân hàng mới là “ông chủ” thật sự của các dự án BOT. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại tạo cơ chế hướng đến việc để dòng tiền thu phí tự động không dừng (ETC) chỉ chảy vào 1 ngân hàng.

Tạo cơ chế “độc quyền” ?

Bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 với Cty TNHH Thu phí tự động (VETC), tài khoản thu phí của VETC và tài khoản giao thông của chủ phương tiện sẽ cùng một ngân hàng. Trong khi đó, chủ ô tô muốn dùng dịch vụ thu phí tự động phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi. Điều này không chỉ khiến chủ xe không hào hứng nộp tiền trước để sử dụng thu phí tự động, các ngân hàng khác cho vay vốn làm BOT giao thông cũng không ủng hộ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư BOT đường bộ ở phía Bắc thừa nhận, hiện các dự án BOT giao thông đều do các ngân hàng khác nhau cung cấp vốn. Tuy nhiên, khi triển khai thu phí tự động, Tài khoản giao thông chỉ được mở ở một ngân hàng như thế là tạo độc quyền. Với việc chủ xe phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông như hiện nay, cả nước có 3,8 triệu ô tô, mỗi xe chỉ cần nộp trước 100 nghìn đồng vào tài khoản, số tiền mặt nhàn rỗi đã rất lớn. Cùng đó, hằng ngày bình quân mỗi trạm cũng thu vài tỷ đồng, cả nước hiện có hơn 80 trạm thu phí, đó là dòng tiền mặt hằng ngày không nhỏ.

“Tuy nhiên, tất cả dòng tiền đó hiện mới đổ vào 1 ngân hàng, trong khi những ngân hàng khác cấp vốn lại không được tham gia, khiến các ngân hàng không đồng tình”, lãnh đạo một doanh nghiệp BOT nói. Nếu đúng lộ trình đặt ra về triển khai thu phí không dừng, toàn bộ trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, hai tuyến đường huyết mạch, lưu lượng phương tiện nhiều nhất sẽ rơi vào một đơn vị thu phí.

VETC cho rằng, tốc độ xử lý của hệ thống liên ngân hàng mất 0,9 - 2 giây, còn hệ thống thu phí tự động yêu cầu phải 0,6 giây. Do đó, không thể xử lý chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản cá nhân từ các ngân hàng của chủ xe sang thanh toán phí. Vì vậy, chủ xe phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông mới dùng được thu phí tự động. Điều này, theo chủ đầu tư BOT, chỉ là “nguỵ biện” cho cơ chế độc quyền. Vì yếu tố này không khó xử lý, các nước đều tạo liên thông 1 tài khoản cho mọi giao dịch, kể cả trả phí giao thông, xử phạt nguội, không lý gì Việt Nam không làm được.

Chủ đầu tư BOT này gợi ý có thể dùng tài khoản ghi nợ trong 5-10 ngày tính lãi suất, phạt chậm nộp, hoặc nhiều cách khác. Không nhất thiết phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông mới dùng được dịch vụ. “Tất cả đều xử lý được bằng công nghệ, hoặc từ cách tổ chức. Lý do VETC đưa ra chỉ để biện hộ cho những đòi hỏi vô lý, độc quyền”, chủ một dự án BOT nói. Vị này đề xuất cơ quan quản lý nhà nước ngồi lại với nhà đầu tư BOT để cùng thống nhất giải pháp, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, không phải dùng mệnh lệnh hành chính, chắc chắn tiến độ triển khai thu phí tự động sẽ đạt được.

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động? ảnh 2 Nhân viên thu phí tại trạm BOT. Ảnh: Báo Giao thông

Chúng tôi ngại lên tiếng

Về việc giai đoạn 1 của dự án triển khai thu phí tự động không dừng chỉ có 1 đơn vị được Bộ GTVT lựa chọn cung cấp dịch vụ thu phí (do chỉ 1 đơn vị tham gia), các nhà đầu tư BOT cho rằng, lý do này cũng chưa thuyết phục. Các nhà đầu tư BOT lý giải: Sau khi chào thầu giai đoạn 2 thu phí tự động đã có nhiều đơn vị nộp hồ sơ, Tổng cục Đường bộ sơ loại cũng chọn được 4 nhà đầu tư đủ năng lực.

Còn về mức phí trích lại cho đơn vị dịch vụ thu phí tự động (gần 5% trên tổng số thu tại mỗi trạm thu phí), một chủ đầu tư BOT cho biết, mức phí này cũng tạo bất cập. Dù hiện việc thu phí thủ công đơn vị thu phí được trích lại 6% doanh thu qua trạm để hoạt động song nếu đưa ra đấu thầu cạnh tranh, phí phải trả cho đơn vị dịch vụ thu phí tự động có thể thấp hơn mức đang áp dụng và giảm dần, không chỉ 1 mức phí áp dụng mãi mãi như VETC đang được trích. Kinh nghiệm các nước cho thấy, để khuyến khích người dân trả phí tự động, mỗi xe sẽ được giảm phí thêm 1-2% so với thanh toán tiền mặt. “Còn ở ta, chỉ có 1 đơn vị thu phí tự động độc quyền, không có cạnh tranh, không có so sánh giá, nên đơn vị duy nhất nói sao phải nghe vậy.

Điều đó rất vô lý. Thậm chí, mỗi lần thay đổi phí trả cho đơn vị thu phí tự động, Bộ GTVT phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, mất nhiều thời gian, như giai đoạn 1 vừa qua, Bộ GTVT phải mất 4 tháng xin tăng phí trích lại cho đơn vị thu phí dịch vụ. Tất cả lập luận Bộ GTVT và VETC đưa ra chỉ tạo ra độc quyền, chúng tôi là các nhà đầu tư, còn nhiều vấn đề liên quan tới cơ quan quản lý ngành, nên ngại lên tiếng. Tại sao 1 chủ trương đúng lại bị phản đối, khó triển khai, điều này Bộ GTVT rõ nhất!”, một chủ đầu tư BOT nói.

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động? ảnh 3Bộ GTVT cam kết trong năm nay sẽ thực hiện xong thu phí tự động không dừng trên cả nước. Ảnh: Lê Hữu Việt


Về quá trình triển khai 
thu phí không dừng, ban đầu, Bộ GTVT trình Thủ tướng quyết định mức phí nhà đầu tư BOT phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động là gần 5% tổng số thu phí tự động qua trạm thu phí. Tuy nhiên, do số lượng chủ xe ô tô dán thẻ và nộp tiền sử dụng thu phí tự động thấp, nên số thu thực tế của đơn vị cung cấp dịch thu phí tự động thấp. Cùng đó, qua thực hiện, mức phí này không đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư, dẫn tới phương án tài chính triển khai thu phí tự động không đạt, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án thu phí tự động dừng giải ngân, nên đơn vị thu phí tự động gặp khó khăn về tài chính cho nhập thiết bị và thuê nhân lực thu phí.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cơ quan này đã đấu thầu và chọn VNPT cung cấp hệ thống giám sát độc lập toàn bộ hoạt động thu phí, đếm xe qua các trạm thu phí BOT đường bộ truyền thẳng về Tổng cục. Như vậy, hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT sẽ có 3 kênh giám sát: Nhà đầu tư BOT giám sát, giám sát qua hệ thống thu phí tự động, giám sát qua hệ thống độc lập của Tổng cục Đường bộ.
 


Đến giữa năm 2018, Bộ GTVT phải trình xin ý kiến Thủ tướng nâng mức phí nhà đầu tư phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động. Thời gian trình, xin ý kiến mất khoảng 4 tháng. Phải tới cuối năm 2018, Thủ tướng mới chấp thuận nâng mức phí. Sau khi Thủ tướng chấp thuận nâng mức phí, Tổng cục Đường bộ phải làm việc lại với các nhà đầu tư BOT để ký lại phụ lục hợp đồng về nội dung thu phí tự động không dừng và mức phí trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động.

Cũng vì thay đổi mức phí, Tổng cục Đường bộ tiếp tục phải sửa đổi lại hồ sơ mời thầu để chọn nhà thầu tiếp theo cho việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (điều đáng lẽ phải xong nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019). Thực tế, mỗi trạm thu phí đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động chỉ thu được khoảng 10-20 triệu đồng tiền phí từ nhà đầu tư BOT.

Việc Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với 1 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng thiếu các điều khoản để có thể thay thế, thêm nhà thầu khi có vấn đề xảy ra, cũng khiến Tổng cục rơi vào thế khó khi triển khai thu phí tự động không dừng, từ đó gây chậm tiến độ. Tổng cục Đường bộ cũng lý giải nguyên nhân triển khai thu phí tự động chậm tiến độ có phần từ năng lực tài chính của nhà đầu tư dịch vụ thu phí.

Theo một số nhà đầu tư BOT, vì lý do công nghệ, nên nhà đầu tư BOT không thể lắp thêm hệ thống giám sát số lượng xe qua lại trạm thu phí, và giám sát đơn vị thu phí tự động. Điều này khiến một số nhà đầu tư BOT cảm thấy chưa đủ sự tin tưởng đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai thu phí tự động. Nhà đầu tư BOT này nhìn nhà đầu tư khác để làm, khiến triển khai thu phí tự động gặp khó khăn.

Trong thực tế, cũng có không ít nhà đầu tư BOT không thích minh bạch, thích thu phí thủ công nên tìm cách trì hoãn thu phí tự động không dừng… Do đó, muốn tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng các vấn đề trên cần được giải quyết và cần các chủ phương tiện ủng hộ sử dụng dịch vụ thu phí tự động.

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động? ảnh 4Có quá nhiều rào cản kỹ thuật ngáng chân quá trình triển khai thu phí không dừng?
*****
Công khai thu phí BOT giao thông: Đòi hỏi chính đáng, sao Bộ chần chừ?

Trong khi người dân, dư luận đang đòi hỏi phải công khai ngay hoạt động thu phí BOT giao thông, thì phía Bộ GTVT vẫn loay hoay biện đủ lý do để chần chừ. Trong khi đó, các trạm thu phí luôn đối mặt nguy cơ bị người dân phản đối. Thực tế này theo các chuyên gia là do cách làm mập mờ từ đầu, không giống ai, nên giờ khó công khai.

Trong những năm qua, số phương tiện qua các trạm BOT giao thông đang thu phí chỉ có Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gửi tới báo chí. Trong khi với các dự án BOT khác, chủ đầu tư hầu như không được tiết lộ, chỉ khi dự án thu hồi vốn xong, phải dừng thu phí đột ngột thì Tổng cục Đường bộ mới phát đi thông báo. Do đó, khi trạm thu phí Dốc Xây (Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh) đã thu hồi vốn xong, phải dừng thu, dư luận mới được biết. Những bất ổn tại các trạm thu phí BOT giao thông đặt ra yêu cầu ngày càng lớn về công khai minh bạch hoạt động này. Tuy nhiên, người dân muốn biết doanh thu, lưu lượng xe qua các trạm thu phí cũng không biết tìm ở đâu.

Cuối tháng 2 vừa qua, một nhóm khoảng 10 người dân thay phiên nhau cắm chốt tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) để đếm xe qua trạm. Ngay sau đó, nhà đầu tư dự án này có văn bản đề nghị Bộ GTVT lập đoàn vào kiểm tra trạm thu phí để chứng minh trạm hoạt động minh bạch. Còn trước đó, Tổng cục Đường bộ kiểm tra trạm thu phí Dầu Giây với kết quả không có bất thường, không những không làm người dân yên tâm, còn đẩy bức xúc lên. Đó là dấu hiệu của sự bối rối của cơ quan quản lý, trong khi các bên còn lại mất niềm tin vào nhau.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện hằng tháng, quý, năm các nhà đầu tư BOT, đơn vị thu phí đều báo cáo số lượng phương tiện, số tiền phí thu được lên Tổng cục và Bộ GTVT để giám sát. Còn việc công khai trên cổng thông tin của tổng cục, ông Huyện cho biết, sẽ cho kiểm tra. Thực tế, phóng viên đã vào website của tổng cục nhưng không tìm ra số liệu này để ở mục nào?!

Theo ông Huyện, các số liệu về số lượng xe qua trạm thu phí, số tiền phí thu được đều có thể công khai, chỉ có vấn đề công nghệ. “Ít tháng tới triển khai xong hệ thống giám sát độc lập về số lượng phương tiện qua tất cả các trạm thu phí trên cả nước, chúng tôi sẽ kết nối để công bố để ai cũng xem được. Còn hiện báo cáo của nhà đầu tư dự án BOT chủ yếu qua văn bản giấy, dữ liệu lưu trữ ở máy chủ các đơn vị”, ông Huyện nói. 

Sau khi dư luận đặt nhiều dấu hỏi về giám sát hoạt động thu phí đường bộ, Tổng cục Đường bộ đã có động thái kiểm tra, giám sát 11 trạm thu phí cả nước (ngoài trạm Dầu Giây). Các đoàn kiểm tra, giám sát từ nay tới Quý II/2019, thành phần gồm đại diện Tổng cục Đường bộ, Cục Thuế các tỉnh có trạm thu phí, Cục An ninh kinh tế, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an). Các đoàn sẽ kiểm tra về hoạt động thu phí, xuất vé, thu vé, lưu trữ và truyền dữ liệu, kiểm tra lưu lượng xe thực tế... Kết quả gửi về Tổng cục Đường bộ trong Quý II/2019. Trạm thu phí cầu Rạch Miễu sẽ được kiểm tra từ ngày 12 đến 22/3/2019; trạm thu phí QL14 Đắk Nông kiểm tra từ ngày 15 đến 25/3/2019. Các trạm còn lại sẽ thực hiện tiếp sau đó.

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động? ảnh 5 Người dân phản đối tại trạm thu phí BOT Sông Ngân (Bình Thuận). Ảnh: Zing

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia tư vấn dự án giao thông) cho rằng, việc minh bạch, giám sát hoạt động thu phí đường bộ các nước khác Việt Nam, vì cách làm khác nhau. Theo đó, tại các nước, dự án BOT đường bộ chỉ thực hiện với tuyến đường song song (không làm trên đường độc đạo). Nhà nước ra đề bài 1 dự án làm đường nối từ A tới B, yêu cầu chất lượng, thời gian cho thu phí và đưa ra đấu thầu. Sau đó, các nhà đầu tư tính toán vốn đầu tư, lưu lượng xe, mức phí. Nhà nước không quản lý mức phí, lưu lượng xe, chỉ giám sát chất lượng đường và tới hết số năm thu phí theo quy định sẽ lấy lại đường, xe đi nhiều hay ít, lời lãi nhà đầu tư tự chịu. Nên việc công khai rất đơn giản, ai đi phải trả tiền, không thì đi đường khác.

Còn ở Việt Nam, theo ông Đức, vừa qua, Bộ GTVT kêu gọi đầu tư trên các tuyến độc đạo (như QL1A), đường có sẵn, rồi chặn đường thu phí. Bộ GTVT lo hết cho nhà đầu tư, kể cả phương án tài chính, vốn vay, lãi vay, lợi nhuận. “Làm gì có khoản đầu tư kinh doanh nào là chắc chắn một mức lãi. Nhà nước lo luôn phương án kinh doanh, thu hút khách hàng khi điều tiết bắt xe phải qua trạm thu phí. Điều đó chỉ có ở đầu tư cho giao thông thời gian qua. Cách làm đó dẫn tới hậu quả của những lùng nhùng BOT giao thông ngày hôm nay”, ông Đức nói.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT) cũng cho rằng, do Bộ GTVT triển khai BOT giao thông trên đường có sẵn, đường độc đạo, sai từ đầu nên người dân phản đối. Trong khi đó, mức phí, thời gian thu phí, người trực tiếp sử dụng đường không hề hay biết, không được bàn thảo, bị “ép” phải trả. 

Triển khai thu phí theo hình thức thu thủ công, giám sát mập mờ, càng khiến người dân mất niềm tin, trong khi đó thu phí tự động vẫn ì ạch. “Bộ GTVT trực tiếp ký hợp đồng đầu tư BOT, quyết định mức phí, thời gian thu, giám sát quá trình thu. Vừa đá bóng vừa thổi còi, cách làm như vậy ai tin được?”, ông Thủy băn khoăn. Do đó, ông Thủy đồng tình với việc công khai thông tin thu phí, thời gian thu, lưu lượng xe, số tiền thu được tại chính các trạm thu phí. 

TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, trước tiên, các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí Chính phủ, phải ban hành quy định về công khai hoạt động thu phí BOT đường bộ, với các chỉ tiêu công khai rõ ràng. Từ đó các nhà đầu tư bắt buộc làm theo. “Do chưa có văn bản nào quy định về điều này nên các nhà đầu tư BOT tìm cách trốn tránh, vì họ thích mập mờ hơn. Trong khi đó đòi hỏi công khai của người dân không được đáp ứng, nên người dân càng phản ứng nhiều hơn. Đó là chưa kể việc ký hợp đồng BOT với các điều khoản bảo mật. Bộ GTVT bị “hố”, nên giờ “há miệng mắc quai”, TS Đức nêu. 

Việc người dân tổ chức đếm xe qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) thể hiện sự tin tưởng của người dân với cơ quan quản lý nhà nước đang giảm sút. Đây là điều đáng ngại nhất, khi niềm tin không còn thì cơ quan nhà nước, ở đây là Bộ GTVT, có nói gì, làm gì dân vẫn không tin. Cần có hành động ngay từ phía Bộ GTVT”, ông Đức nói.

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động? ảnh 6

Tổng cục Đường bộ công bố doanh thu các trạm thu phí BOT

Lũy kết số tiền thu phí sử dụng đường bộ qua các trạm thu phí BOT tới hết năm 2018 đạt hơn 47.442 tỷ đồng.

*****
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể 'giải trình'


Ngày 6/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới. Tại buổi làm việc này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đã nêu ra hàng loạt vấn đề nóng, đề nghị các bộ, ngành giải trình.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ GTVT giải trình về một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.

Nhóm nghiên cứu viện dẫn, công tác kiểm tra việc thu phí trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác về số tiền thu phí hàng ngày. “Nhiều vi phạm chỉ được thanh tra sau khi đã xảy ra tai nạn giao thông hoặc báo chí, dư luận phản ánh”, bà Thủy nêu.

Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu cũng nêu ra tình trạng một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí một số nơi người tham gia giao thông đã tụ tập tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng, ban hành từ năm 2017 nhưng đến nay chưa được triển khai theo đúng lộ trình.

Cụ thể, theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên: chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí sử dụng đồng bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Ai tạo thêm rào cản thu phí BOT tự động? ảnh 7 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên giải trình. Ảnh: Luân Dũng

Trong khoảng 15 phút giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể không đề cập đến vấn đề nóng BOT đang khiến dư luận xã hội bức xúc. Sau đó, người điều hành phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng GTVT giải trình thêm về việc này.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc lại, hiện Bộ GTVT đang thực hiện Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 1, năm 2018 tất cả các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải thu phí tự động không dừng. Sang giai đoạn 2, đến cuối năm 2019, tất cả trạm thu phí trên hệ thống đường quốc gia phải thực hiện thu phí tự động không dừng.

Theo “tư lệnh” ngành giao thông, hiện Bộ GTVT quản lý hơn 60 trạm thu phí BOT. Giai đoạn 1, Bộ phải thực hiện khoảng 40 trạm, đến cuối 2018 đã thực hiện cơ bản, chỉ còn 8 trạm BOT chưa triển khai kịp. Như vậy đã có hơn 30 trạm thực hiện thu phí không dừng.

Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí BOT sẽ áp dụng, qua đó tất cả các phương tiện đi qua trạm thu phí phải dùng thẻ để qua trạm. “Bộ hy vọng cuối 2019 mới thực hiện đồng bộ thu phí tự động không dừng trên phạm vi cả nước. Hiện trên 30 trạm đã thực hiện, nhưng do số phương tiện mua thẻ nhiều nơi không có, nên có trạm có 10 làn thì thu phí không dừng 4- 6 làn để tránh ách tắc giao thông”, ông Thể cho hay.

*****
Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc 'ai tạo thêm rào cản thu phí tự động'

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản về việc xử lý thông tin báo nêu về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng gửi Bô GTVT. Văn bản nêu rõ: Báo Tiền phong điện tử ra ngày 18/2/2019 có bài phản ánh về việc "Thu phí tự động không dừng: Ai đang tạo thêm các rào cản",  trong đó có nội dung phản ánh về việc "Sau các dự án BOT giao thông là các ngân hàng tài trợ vốn, mới là ông chủ thật sự của các dự án BOT.

Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại tạo cơ chế để dòng tiền thu phí tự động không dừng vào một ngân hàng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng với công ty VETC, tài khoản của VETC và tài khoản giao thông của chủ phương tiện cùng một ngân hàng nên các ngân hàng cho vay vốn làm BOT giao thông không ủng hộ".

Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải làm rõ và trả lời cho Báo Tiền phong biết.

Ngày 7/3, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về tình trạng trạm BOT chậm triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt về việc này. Tinh thần là đến 31/12/2019, doanh nghiệp nào không hoàn tất việc triển khai thu phí tự động không dừng là sẽ cho dừng thu phí ngay.

Theo ông Dũng, thu phí tự động không dừng là giải pháp để tạo ra sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các trạm BOT. “Đây là giải pháp nhằm tăng cường sự giám sát của các cơ quan, đơn vị và của người dân đối với hoạt động thu phí BOT. Do đó không thể để tình trạng doanh nghiệp thích thì làm, không thích thì thôi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải quyết liệt và rõ ràng đối với vấn đề triển khai thu phí không dừng. Doanh nghiệp nào không thực hiện triển khai thu phí tự động không dừng theo đúng lô trình sẽ cho dừng hoạt động thu phí luôn, “chứ không thể để tình trạng thích thì thực hiện, không thích thì thôi”.