Amazon và ông chủ tài ba sau 10 năm mở hiệu

Amazon và ông chủ tài ba sau 10 năm mở hiệu
Hôm nay (16/7), bắt đầu dịp lễ kỷ niệm sinh nhật kéo dài 10 ngày liền của một trong những hãng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới, hãng Amazon của doanh nhân Jeff Bezos.

Amazon hiện nay là trang web bán lẻ khổng lồ có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới, với doanh thu năm 2004 đã lên tới 7 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ hãng bán lẻ nào khác. Chỉ có eBay, với doanh số 34,2 tỷ USD năm 2004, có thể vượt qua Amazon, song eBay là cổng giao dịch để người mua người bán gặp nhau và ngã giá chứ không trực tiếp mua đi bán lại như Amazon.

Huyền thoại Amazon

Ra đời ngày 16/7/1995, không lâu sau khi Internet bắt đầu phổ biến, Amazon thực sự là nhà tiên phong trong lĩnh vực TMĐT, đã vượt qua muôn vàn thử thách của giai đoạn khủng hoảng "dot.com" để giờ đây nắm chắc vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Câu chuyện Bezos khởi sự Amazon là cả một huyền thoại. Trong khi làm việc cho công ty quỹ đầu tư vào năm 1994, ông tình cờ đọc được một nghiên cứu dự đoán Internet sẽ bùng phát trong tương lai. Ông dự đoán chẳng bao lâu người ta sẽ bắt đầu mua bán qua mạng.

Sau khi nghiên cứu một số loại sản phẩm có khả năng bán qua mạng, ông quyết định lựa chọn sản phẩm sách. Bezos đặt trụ sở của Amazon ở Seattle vì ở đây có nhiều kỹ sư phầm mềm và lại cách thành phố Roseburg không xa, nơi có hệ thống nhà kho lưu trữ sách lớn nhất nước Mỹ.

Các kho hàng của Amazon sử dụng công nghệ cao đến nỗi chúng đòi hỏi rất nhiều dòng mã hoá để vận hành và phức tạp không kém trang web của Amazon. Máy tính bắt đầu quy trình bằng cách gửi tín hiệu thông qua mạng không dây tới cho công nhân để họ biết cần phải lấy thứ gì xuống khỏi giá; sau đó họ đóng gói mọi thứ theo trình tự để gửi đi.

Trên thực tế, một trong những thế mạnh lớn nhất hiện nay của Amazon là năng lực quản lý hàng tồn kho và thậm chí Amazon còn được các công ty bán lẻ khác giao toàn bộ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình cho Amazon thầu phụ, như trường hợp các hãng bán lẻ Toys R Us và Target.

Tất cả những điều trên đây lý giải một luận điểm quan trọng mà Bezos kiên trì theo đuổi từ khi ông khởi sự Amazon đến bây giờ mọi người mới tin: "Trong một thế giới hữu hình, mọi người đều nghĩ địa điểm là quan trọng nhất. Đối với chúng tôi, 3 thứ quan trọng nhất là: công nghệ, công nghệ và công nghệ".

Sau giai đoạn cùng các công ty dot.com khác rơi vào suy sụp cùng vụ nổ bong bóng Internet, Amazon đã bắt đầu khởi sắc. Trong khi hầu hết các ngành kinh doanh khác đang gặp khó khăn, doanh thu của Amazon hiện có mức tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Tỷ suất lợi nhuận của Amazon ở mức 5%, vượt xa tất cả các nhà bán lẻ truyền thống và theo sát “nhà vô địch” là tập đoàn siêu thị lớn nhất thế giới Wal-Mart. Trị giá cổ phiếu của Amazon gần đây đang ở mức rất cao và có mức tăng trưởng vượt qua cả các đại gia tên tuổi như Dell, Cisco, Microsoft, Wal-Mart.

Danh mục hàng hoá của Amazon đã mở rộng nhanh chóng từ sách tới DVD, đồ điện tử, đồ chơi, game, đồ gia dụng, phần mềm... Các nhà đầu tư tin tưởng rằng rồi đây lợi nhuận sẽ tăng lên đến 800 triệu USD trên tổng doanh thu 8 tỷ USD vào năm 2007. Khi đó, Amazon sẽ bước vào danh sách các công ty có lợi nhuận cao nhất nước Mỹ.

Ngay cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet, người chưa bao giờ ủng hộ các ngành kinh doanh công nghệ, giờ cũng trở thành một fan hâm mộ của Amazon và Bezos. “Tôi đã sử dụng máy tính được 8 hay 10 năm, và tôi chỉ trả tiền để mua 3 thứ ở trên mạng: báo Wall Street Journal, môi giới chứng khoán trên mạng và những cuốn sách mua từ Amazon.com”.

Bezos - ông chủ vui nhộn thích hành động

Bất kỳ những ai biết về Bezos đều hiểu rằng ông là con người của hành động. Cho dù là lúc khó khăn cũng như khi thắng lợi, Bezos lúc nào cũng vui vẻ và truyền cảm hứng cho mọi người.

Từ khi còn trẻ, Bezos đã đặc biệt quan tâm tới các trò chơi thử sức thông minh và các con số. Khi học đại học, Bezos nghiên cứu ngành điện và máy tính. Ông từ chối lời mời làm việc của Intel để tham gia vào một công ty nhỏ do 2 giáo sư ở trường Đại học Columbia quản lý. Sau đó Bezos sang làm việc cho một công ty phần mềm, rồi một quỹ tự bảo hiểm trước khi khởi sự Amazon.com

Bezos luôn nói ông cần những con người có đầu óc đổi mới và cách mạng, những người có chỉ số thông minh cao. Vì thế, Bezos thường đặt ra các câu hỏi để kiểm tra trí thông minh của ứng viên, kiểu như: "Có bao nhiêu cửa sổ trong thành phố San Francisco?" hay "Có bao nhiêu cây xanh trong công viên New York?". Sau 10 năm hoạt động, Amazon vẫn sử dụng bảng 23 câu hỏi kiểm tra mà Bezos sử dụng khi khởi sự công ty.

Bezos đang từng bước chứng minh cho mọi người thấy ông là một trong những vị Giám đốc điều hành (CEO) vĩ đại. Tất nhiên, những người như Jery Yang và David Filo đã khởi sự trang web Yahoo, Pierre Omidyar sáng lập trang web eBay đều giàu có. Nhưng khi lịch sử của những tập đoàn như Yahoo hay eBay được viết lên, công lao chính sẽ thuộc về các nhà quản trị chuyên nghiệp được thuê để quản lý hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Bezos khác họ, ông không chỉ chứng minh tầm nhìn chiến lược về sự ra đời của Amazon là đúng đắn mà còn cho thấy ông là người có thể lãnh đạo Amazon qua bao thăng trầm để phát triển từ chỗ chỉ có vài nhân viên lên đến con số gần 10.000 nhân viên hiện nay.

Trong khi Bezos-người nổi tiếng luôn tự quảng bá mình như một hình ảnh giải trí vui nhộn thì Bezos-nhà kinh doanh lại có một phong cách khác hẳn. Chẳng hạn, các cuộc họp ban quản trị hàng tuần của Bezos là những cuộc chạy đua dài nhiều giờ liền và hết sức căng thẳng. Các nhà quản trị của tập đoàn phải đưa ra các chiến lược sản phẩm mới, công nghệ mới, chiến lược giá hay giải pháp cắt giảm chi phí, trong khi Bezos với kỹ năng của một vị giám khảo hạng nhất liên tục đưa ra các câu hỏi chất vấn cho đến khi ông hài lòng tuyệt đối ở tất cả mọi góc độ.

Bezos không quan tâm đến các câu hỏi định tính. Ông muốn biết chính xác với mỗi đơn hàng thì khách hàng liên lạc bao nhiêu lần, mỗi lần mất bao nhiêu thời gian, chi phí của việc liên lạc với khách hàng bằng e-mail hay điện thoại. Khi ra quyết định, ông có thói quen tìm ra câu trả lời đúng trên cơ sở phân tích các số liệu và các quyết định dựa trên tính toán định lượng sẽ thắng thế so với các ‎ý kiến và phán xét cảm tính.

Một khi các tính toán được đưa vào, Bezos muốn thực thi theo cách của riêng mình. Phong cách của Amazon là không uỷ quyền quản lý ở mức độ cao mà Bezos sẽ tham gia vào hầu như tất cả các công đoạn.

Mối quan tâm của Bezos với đổi mới là một thế mạnh đặc biệt của vị CEO này. Amazon thiết lập một giải thưởng cho các nhân viên thi đua mang tên "Just do it" ("Cứ làm đi"), theo đó người đoạt giải là những nhân viên có thành tích đóng góp với tập đoàn mà không cần sự chấp thuận của CEO. Mục đích của Bezos là khuyến khích mọi người chủ động với công việc của mình.

Nhờ biết khai thác điểm mạnh của mình và nhân viên, Bezos và công ty Amazon.com trở thành một trong những huyền thoại kinh doanh lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.

MỚI - NÓNG