Ăn giảm, mặc tăng

Ăn giảm, mặc tăng
TP - Tại Hà Nội, nếu như các sản phẩm ăn uống phục vụ Tết như bánh chưng, giò, chả, nem... vắng khách thì thị trường quần áo lại hút khách đột biến.
Ăn giảm, mặc tăng ảnh 1
Mức tiêu thụ bánh chưng, giò, chả của cửa hàng bà Giang tết này giảm một nửa so với năm ngoái  Ảnh: Phạm Anh

Chiều 26 Tết, phố Tết Trần Xuân Soạn (Hà Nội), với hơn 20 cửa hàng chuyên bán bánh chưng, giò, chả, nem... không tấp nập người mua như mọi năm.

Tại cửa hàng bánh chưng, giò, nem bà Lũy (54 Trần Xuân Soạn), ngoài khách đặt trước còn có lượng lớn khách lẻ.

Chị Đặng Thị Mừng, con dâu bà Lũy cho biết, thương hiệu bánh chưng, giò, chả, nem bà Lũy có tiếng từ thời Pháp thuộc. So với năm ngoái, lượng hàng tiêu thụ chỉ bằng một nửa. Giá bánh chưng 15-30 nghìn đồng/cái.

Lượng khách mua giò, chả, nem cũng giảm đáng kể. Hiện, cửa hàng bà Lũy bán giò bò 160 nghìn đồng/kg, giò lụa 150 nghìn đồng/kg, giò gà 220 nghìn đồng/kg...

Cùng cảnh như cửa hàng bà Lũy, tại cửa hàng bà Giang, chuyên bán giò chả truyền thống Ước Lễ, lượng tiêu thụ cũng giảm một nửa so với mọi năm.

 Anh Hoàng Ngọc Tú - con trai bà Giang nói: “Cửa hàng chỉ bán lẻ trực tiếp, không nhận đặt trước. Mỗi ngày chỉ bán được khoảng 50 cái bánh chưng (25 nghìn đồng/cái), gần 10 kg giò, chả các loại. Sát Tết nhưng lượng người mua vẫn ít, chủ yếu khách mua làm quà gửi vào Nam”.  

Khác những địa điểm trên, tại cửa hàng chuyên bánh chưng, giò, chả Đức Minh (Trần Xuân Soạn) vẫn giữ được lượng khách như mọi năm. Bà Bùi Thị Sinh, chủ cửa hàng cho biết, để chuẩn bị hàng Tết, phải chuẩn bị đỗ xanh từ tháng tư, gạo từ tháng 10, lá dong từ đầu tháng 12 năm ngoái.

Từ 25, 26 Tết, mỗi ngày bán hơn 1.000 bánh chưng (khách đặt trước và bán lẻ), hơn một tạ giò, chả các loại. Bình thường tại đây chỉ 6-8 công nhân nhưng mấy ngày cận Tết, số người làm lên 25-30.

Bà Sinh nói thêm: “Giá bánh chưng cũng ngang năm ngoái (20-25 nghìn đồng/cái, tùy loại). Riêng giá giò, chả, nem đều tăng đồng loạt 10 nghìn đồng/kg, khách vẫn đặt nhiều”.

Tại làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà - Thanh Trì - Hà Nội), năm nay, lượng bánh cũng chỉ tương đương mọi năm. Ông Đặng Tiến Lễ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Văn Khúc, nói: “Làng nghề Tranh Khúc có hơn 210 hộ chuyên sản xuất bánh chưng, bánh dầy các loại. Trong thời gian khoảng 10 ngày cận Tết, mỗi hộ trung bình bán ra 1.000-3.000 cái, có hộ sản xuất lớn có thể lên đến 8.000-9.000 cái”.

Theo ông Lễ, mức tiêu thụ không giảm so với mọi năm nhưng lợi nhuận giảm khá nhiều. Nhiều gia đình ở đây làm bánh chưng có bao nilon, hút chân không, in logo Làng nghề Tranh Khúc bán tại nhiều siêu thị tại Hà Nội.

Quần áo hút khách

Tại phố đồ trẻ em Sơn Tây, khách mua tấp nập. Chị Mai Anh - chủ cửa hàng quần áo lớn nhất khu vực này, nhiều bà mẹ đến đây không ngớt lời kêu ca thu nhập giảm, giá các mặt hàng cho trẻ em lại đắt nhưng họ vẫn không ngần ngại bỏ tiền triệu để sắm đồ cho con.

Tại Hội chợ Xuân ở Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội), lượng khách mua sắm quần áo khá đông, nhất là tại các gian hàng của những thương hiệu nổi tiếng trong nước như May Tây Đô, May Đức Giang, Dệt Phong Phú...

Bạn Nguyễn Hương Giang (24 tuổi, phường Ngọc Khánh - Ba Đình) vừa mua quần áo ở gian hàng của Cty may Tây Đô cho biết, tranh thủ mua áo quần để diện trong dịp Tết. Phía bên kia là gian hàng của Đức Giang cũng có rất nhiều bạn trẻ đang chọn mua hàng.

Tại các phố chuyên bán quần áo như Chùa Bộc, Cầu Giấy, Trần Nhân Tông..., không khí mua sắm cũng rất sôi động. Chị Hằng, nhân viên bán hàng của Blue Exchange cho hay, nhiều mẫu mới của hãng bán hết veo; lượng khách mua mấy ngày nay tăng đột biến.

Các loại quần bò, áo khoác mỏng, sơ mi cũng được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, theo chị Hằng, hàng quần áo tại Hà Nội chỉ bán được trong vài ngày nữa, đến 30 Tết sẽ rất ít người mua. 

MỚI - NÓNG