Áp lực trả nợ dìm VN-Index xuống vực sâu

Áp lực trả nợ dìm VN-Index xuống vực sâu
Nhiều cá nhân và tổ chức trước đây cầm cố cổ phiếu vay tiền đầu tư, hiện nay vì giá đã xuống sát giới hạn an toàn, ngân hàng thúc ép họ phải trả nợ gấp, các con nợ giành nhau bán tháo, càng làm cho thị trường lún sâu xuống vực.

Chiều 4/3, ông Lê Quang, một nhà đầu tư tại sàn Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận được thông báo qua điện thoại của nhân viên kế toán SSI: “Anh Quang ơi, bên Ngân hàng Nông nghiệp nhắc anh phải bổ sung tài sản cầm cố hoặc phải trả bớt nợ...”.

Ông Quang đáp lại: “Hôm qua, tôi đã bán xong một số cổ phiếu, ngày mai sẽ tạm ứng rồi tất toán hợp đồng luôn...”.

Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, cuối năm 2007, khi thấy thị trường chứng khoán nóng, ông Quang đã thế chấp một số cổ phiếu vay ngân hàng mấy tỉ đồng để kinh doanh.

Khi thấy thị trường đi xuống mạnh, ông đã bán một số cổ phiếu lấy tiền trả bớt 50% nợ, còn 50% ông để đó với hy vọng chờ thị trường phục hồi để gỡ lại những tổn thất trong thời gian qua. Nhưng không ngờ thị trường xuống dốc quá nhanh, vượt ra ngoài dự đoán của nhiều người, làm cho ông Quang choáng váng.

Nhiều cá nhân và tổ chức trước đây cầm cố cổ phiếu vay tiền đầu tư, hiện nay vì giá đã xuống sát giới hạn an toàn nên ngân hàng thúc ép họ phải trả nợ gấp (nếu không sẽ bị tịch thu để phát mại), các con nợ giành nhau bán tháo, càng làm cho thị trường lún sâu xuống vực.

Những cổ phiếu một thời vang bóng như SSI, REE, SAM... được cầm cố nhiều nhất, giờ đây bị bán tháo, chúng trở nên ế ẩm nhất, số dư bán lớn gấp nhiều lần so với số dư mua.

Một số tổ chức (chủ yếu là công ty chứng khoán) cũng cầm cố cổ phiếu để vay tiền nên khi cơn hoảng loạn xảy ra, họ chuyển lệnh bán của họ trước, xong mới tới lệnh của các nhà đầu tư khác.

Khi so khớp lệnh mua – bán, trước hết ưu tiên về giá, sau đó là về thời gian. Khi các lệnh cùng bán giá sàn như nhau thì lệnh ai vào trước, người đó được khớp. Vì vậy, trong cuộc “tháo chạy” này, nhà đầu tư cá nhân sẽ khó bán được cổ phiếu.

Qua cơn thúc ép nợ, thị trường sẽ tỉnh lại?

Cơn khủng hoảng kéo dài đã nhiều tháng nay, những nhà đầu tư nhỏ hầu hết đã bán tháo rời sàn từ lâu nên tính ra họ ít bị tổn hại. Còn những nhà đầu tư có vốn kha khá thì kiên trì bám trụ cùng với các tổ chức nên khi thị trường xuống dốc mạnh, họ bị thiệt hại rất lớn.

Mấy ngày qua, lượng bán ra của một số cổ phiếu blue-chips lên cao cực điểm trong khi số đặt mua lại giới hạn rất thấp, nhiều người mặc dù đã đến sàn rất sớm để nộp lệnh bán cổ phiếu với giá sàn, giá ATO, giá ATC vẫn không bán được. Vì vậy, nhiều người đang tính kế lâu dài.

Chị Thanh Nhân, tại sàn SBSC, nói: “Hằng ngày thấy giá xuống mà không bán được thì lo nhưng khi đã bán được rồi thì e ngại, không dám mua vào. Nếu thị trường đổi chiều, lúc đó lại ân hận. Giá cổ phiếu đã xuống quá rẻ. Sự việc đã đến thế này thì đầu tư lâu dài luôn”.

Lượng cổ phiếu tuôn ra trong các đợt giao dịch cho thấy nhiều tổ chức đang bán tháo để lấy tiền trả nợ. Khi cơn bán tháo chưa chấm dứt thì VN-Index sẽ vẫn còn bị đẩy xuống vực sâu. Do đó, trong tuần này, giá chứng khoán trên cả hai sàn có thể tiếp tục xuống dốc.

Theo Người lao động 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.