APEC xây dựng hệ thống thương mại đa phương bền vững

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: BCT.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: BCT.
TP - Hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 đã thể hiện quyết tâm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong việc tiếp tục xây dựng một hệ thống thương mại đa phương bền vững, minh bạch, lấy luật lệ làm cơ sở.

Hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23) diễn ra từ ngày 20 đến 21/5 tại Hà Nội. Sau khi hội nghị kết thúc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch MRT 23, chủ trì họp báo về kết quả hội nghị. Ông thông báo, MRT 23 đạt được năm kết quả chính.

Thứ nhất, MRT 23 đã hoàn thành vai trò là bước đệm tốt trong việc rà soát quá trình thực hiện chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017, chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, diễn ra tháng 11 tại Đà Nẵng.

Thứ hai, tại MRT 23, các thành viên đều ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, là cái nôi của các ý tưởng hợp tác, liên kết khu vực, vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

Thứ ba, MRT 23 đã thể hiện quyết tâm của APEC trong việc tiếp tục xây dựng một hệ thống thương mại đa phương bền vững, minh bạch, lấy luật lệ làm cơ sở và là nền tảng quan trọng cho thương mại quốc tế. MRT 23 cũng thể hiện sự ủng hộ của APEC đối với Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 tại Argentina tháng 12 năm nay.

Thứ tư, MRT 23 đã rà soát việc xây dựng một số sáng kiến và ưu tiên của năm APEC 2017 như: Tiếp tục triển khai Tuyên bố Lima về Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương; Xây dựng Khuôn khổ Tạo thuận lợi cho Thương mại điện tử Xuyên biên giới; Triển khai sáng kiến về Công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng Kế hoạch Hành động về thúc đẩy kinh tế, tài chính và xã hội trong khu vực APEC; Xây dựng Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; Xác định tầm nhìn cho APEC giai đoạn hậu 2020… Đây là những sáng kiến tích cực và thiết thực sẽ được trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 29 và Hội nghị Cấp cao 25 xem xét thông qua.

Thứ năm, Hội nghị đã có các sự kiện được tổ chức bên lề hết sức ý nghĩa như: Cuộc thi phát triển ứng dụng APEC - APEC App Challenge nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia tích cực hơn vào thị trường khu vực và quốc tế; Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo với sự tham gia của các bộ trưởng và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực. Điều này cho thấy APEC không chỉ hợp tác chính sách mà còn có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích và ý nghĩa khác.

Tuyên bố bộ trưởng về TPP

Ngày 21/5 tại Hà Nội, các bộ trưởng phụ trách thương mại của Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore và Việt Nam ra tuyên bố nhất trí rằng, cần phải hiện thực hóa những lợi ích của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhóm họp bên lề MRT 23, các bộ trưởng, thứ trưởng khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP. Các bộ trưởng nhấn mạnh các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của hiệp định này là cách để đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, hộ gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cho rằng cần phải hiện thực hóa những lợi ích của TPP, các bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật nghiên cứu các kịch bản phù hợp để nhanh chóng thực thi hiệp định toàn diện và tiêu chuẩn cao này, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia của các nước ký kết ban đầu. Các bộ trưởng đã chỉ đạo các trưởng đoàn xúc tiến việc chuẩn bị cho nhiệm vụ này và yêu cầu hoàn tất trước khi các nước TPP nhóm họp bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh khả năng mở rộng TPP cho các nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của hiệp định.

Ngày 21/5 tại Hà Nội diễn ra Đối thoại về “Xây dựng châu Á - Thái Bình Dương gắn kết và bao trùm”. Đối thoại là hoạt động đầu tiên có sự tham gia của đại diện các cơ chế liên kết then chốt của châu Á - Thái Bình Dương, trong đó các thành viên APEC đều có vai trò dẫn dắt. Đối thoại nhằm thông tin, trao đổi và đánh giá về tình hình liên kết khu vực, thảo luận các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ chế cũng như thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn.

MỚI - NÓNG