ASEAN sẽ áp dụng chế độ hải quan một cửa

ASEAN sẽ áp dụng chế độ hải quan một cửa
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN không chính thức đã kết thúc với cam kết chung về đẩy mạnh liên kết nội khối và tăng cường hợp tác ngoài khu vực. Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự đã trao đổi về nội dung buổi làm việc.
ASEAN sẽ áp dụng chế độ hải quan một cửa ảnh 1
Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự

Kết quả lớn nhất mà hội nghị đạt được là gì, thưa ông?

Hội nghị lần này đã đề xuất nhiều biện pháp có thể áp dụng cho tất cả các ngành, các lĩnh vực ưu tiên hội nhập, gồm 11 ngành, trong đó 7 lĩnh vực hàng hóa là dệt may, ôtô, điện tử, gỗ, thủy sản, cao su, nông sản và 4 lĩnh vực dịch vụ là y tế, du lịch, hàng không, E-ASEAN.

Một trong những khó khăn trong việc thực hiện lộ trình hội nhập ở 11 lĩnh vực ưu tiên là vấn đề liên quan đến hải quan, thuế và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Các nước ASEAN cam kết sẽ tập trung tháo gỡ và ưu tiên tìm kiếm các giải pháp hiệu quả.

Trước mắt, Hội nghị thống nhất sẽ thực hiện ý tưởng hải quan một cửa giữa các nước trong khối. Việc này hiện đang được thí điểm ở Philippines và dự kiến sẽ áp dụng với các nước có đủ điều kiện vào năm 2006.

Các nước ASEAN sẽ hài hòa thủ tục hải quan, công nhận lẫn nhau các tiêu chuẩn hàng hóa, thuế… để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc hội nhập nhanh hơn.

Thực tế, việc triển khai các cam kết hay quản lý tiến trình thuận lợi hóa còn nhiều hạn chế. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Trong hội nghị chúng tôi cũng đã bàn đến vấn đề đó, và thời gian tới các nước sẽ nghiên cứu, soạn thảo biện pháp cần thiết để trình lên Hội nghị Bộ trưởng vào tháng 9 diễn ra ở Lào, nhằm thực hiện tốt nhất các cam kết.

Hiện nay xu thế thiết lập các hiệp định song phương (FTA) đang diễn ra phổ biến trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

Tôi cho rằng hiện nay đang tồn tại 2 xu hướng. Đối với tổ chức kinh tế lớn vẫn tiếp tục xu hướng đa phương hóa hợp tác kinh tế thương mại, hình thành các FTA mới. Chẳng hạn như EU và ASEAN mở rộng. Ngoài ra còn tồn tại xu hướng đàm phán FTA song phương giữa các nước. Đó là một quá trình tự do hóa mậu dịch song phương của các nước với nhau. Họ có thể dành cho nhau những mức thuế rất thấp và nhiều ưu đãi thương mại khác. Điều đó có thể thúc đẩy thương mại phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên FTA cũng chỉ đi vào một số lĩnh vực, một số mặt hàng, chứ không phải là tất cả. Hơn nữa, đối với những nước đang phát triển mà điều kiện cạnh tranh chưa cao, cũng sẽ có một số tác động nhất định. VN chắc chắn sẽ tham gia vào xu thế này, song sẽ phải sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hiện hầu hết các nước ASEAN đều gặp khó khăn về nguồn lực đàm phán. Theo ông, VN làm thế nào để khắc phục vấn đề này?

Trong năm nay, VN sẽ phải tham gia đàm phán trực tiếp với rất nhiều quốc gia. Trước mắt là đàm phán về thúc đẩy dịch vụ và đầu tư trong ASEAN, cũng như đàm phán về mậu dịch tự do FTA với Trung Quốc và New Zealand.

Trước đây, mỗi bộ, ngành chỉ bố trí 1 - 2 người phụ trách đàm phán, nhưng trong thời gian tới cần tăng lên 3 - 4 người để đảm bảo số lượng cán bộ tham gia đàm phán có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ đàm phán.

MỚI - NÓNG