“Ba cùng” để chuyển giao khoa học kỹ thuật

“Ba cùng” để chuyển giao khoa học kỹ thuật
TP - Phương châm “3 cùng” được Ngô Thị Ngọc Khánh áp dụng triệt để đã thu hẹp khoảng cách giữa một cô gái miền xuôi với đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nàn, lạc hậu...

Hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học và giải pháp kỹ thuật từ cấp cơ sở đến trung ương trong nhiều lĩnh vực: ứng dụng công nghệ sinh học lai tạo giống mới, cải tiến cơ chế quản lý, nâng cao tay nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm… đã tạo nên một bức tranh khá sôi động của phong trào thi đua lao động sáng tạo trong ngành NN&PTNT 10 năm qua (1996 - 2006)…

Vào Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp chưa được lâu, năm 2001, Ngô Thị Ngọc Khánh được giao nhiệm vụ thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho bà con dân tộc Ba Na và Rơ Ngao.

Lần đầu tiên bước chân đến lòng hồ thủy điện Yaly (Kon Tum), nhìn những khó khăn chồng chất hiện hữu trước mặt, Khánh choáng váng, vì sợ không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thế nhưng, với quyết tâm tột độ, bằng tâm niệm “bà con thôn bản là gốc của thành công”, Khánh bắt tay làm quen cuộc sống với bà con dân tộc bằng chính những việc làm thiết thực, gần gũi. Vừa chung tay giúp bà con thu hoạch mùa màng, vệ sinh môi trường, Khánh vừa tranh thủ học tiếng Ba Na, Rơ Ngao.

Tổng kết 10 năm phong trào lao động sáng tạo, ngành NN&PTNT đã có 3.000 sáng kiến được công nhận, làm lợi hơn 1.500 tỷ đồng.

Năng suất lúa bình quân đã tăng từ 2,81 tấn/ha (1996) lên 4,88 tấn/ha (2006). Các con số này đối với cây ngô lần lượt là 1,42 tấn/ha và 3,49 tấn/ha; sắn là 9,16 tấn/ha và 14,53 tấn/ha.

Giá trị sản xuất trên đơn vị 1 ha tăng từ 12,8 triệu đồng (năm 1996) lên 24 triệu đồng (năm 2006), rất nhiều xã, huyện đạt mức doanh thu 50 - 60 triệu đồng/ha…

Phương châm “3 cùng” được Khánh áp dụng triệt để đã thu hẹp khoảng cách giữa một cô gái miền xuôi với đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nàn, lạc hậu.

Chỉ mấy tháng sau, người dân trong vùng đã xem Khánh như con cái trong nhà. Những kiến thức KHKT mà Khánh chuyển giao cho bà con đã dễ được chấp nhận hơn nhiều.

Vì bà con nơi đây ít người biết tiếng phổ thông nên Khánh sáng tạo bằng cách thay các đơn vị đo lường bằng những gì gần gũi nhất với họ: thay kilôgam bằng tô (bát), centimét và mét bằng que gỗ chặt sẵn…

Kết thúc đề tài, cây ngô đã tươi tốt lạ thường trên vùng đất bán ngập lòng hồ thuỷ điện Yaly. Doanh thu từ cây ngô trên đơn vị 1 ha đã tăng từ 1,89 triệu đồng (theo phương pháp cũ) lên 5,4 triệu đồng (theo phương pháp mà Khánh chuyển giao).

Với 82 ha vùng lòng hồ, mỗi năm Khánh đã mang lại lợi nhuận cho bà con dân tộc thiểu số gần 300 triệu đồng từ cây ngô. Quan trọng hơn, đề tài của Khánh đã giúp bà con nơi đây thay đổi phương thức canh tác, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao dân trí, chống xói mòn đất đai…

Đề tài của Khánh đã được UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen sáng tạo, kết quả áp dụng ở lòng hồ Yaly được nhân rộng nhiều địa phương khác, mang lợi cho người dân nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Ở lĩnh vực phát triển cây lúa, các cán bộ ngành NN&PTNT và bà con nông dân không thể không nhận sự đóng góp của TS Nguyễn Thị Lang - Cán bộ Viện lúa ĐBSCL.

Cùng với các đồng nghiệp, chị đã chủ trì thành công nhiều đề tài NCKH: Phát triển và ứng dụng các phương pháp sinh học phân tử để phân tích gen và đa dạng nguồn gen; đánh giá kiểu gen bằng DNA trên tính kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu, bạc lá và chống chịu mặn, chống nhôm hóa; xây dựng thành công bản đồ cho 9 gen: mùi thơm, hàm lượng, amyloge, protein, ưu thế lai, rầy nâu, bạc lá, đạo ôn, chống chịu mặn…

Những nghiên cứu, cải tiến trên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng lúa tại khu vực ĐBSCL. Mỗi năm, trên 1,3 triệu ha đất trồng lúa vùng ĐBSCL đã sử dụng các giống lúa mới của Viện, với năng suất tăng 0,4 tấn/ha, chất lượng tăng 0,2% tấn/năm, làm lợi cho nông dân hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

TS Lang đã nhận được Bằng Lao động sáng tạo, Huy chương Vàng của Bộ NN&PTNT, Bằng khen của Bộ KHCN, nhiều giải thưởng khoa học sáng tạo khác…

Trong 10 năm qua, ngành NN&PTNT đã có 194 lượt người được cấp Bằng Lao động sáng tạo, nhiều công trình nhận giải thưởng VIFOTEC, 5 tập thể và 5 cá nhân nhận giải thưởng Kovalepskaia và Tài năng sáng tạo nữ.

“Những thành tựu đó là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng cao (5,5%), đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt và sẽ tiến xa trong thời gian tới” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy tại hội nghị tổng kết phong trào lao động sáng tạo ngành, tổ chức sáng qua, tại Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.