Ba đoàn kiểm tra giá cước vận tải cả nước: Chỉ một DN bị phạt

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn (đứng), Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, có tình trạng doanh nghiệp trốn kê khai giá cước vận tải bằng việc chạy sang tỉnh khác. Ảnh: Đức Huy.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn (đứng), Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, có tình trạng doanh nghiệp trốn kê khai giá cước vận tải bằng việc chạy sang tỉnh khác. Ảnh: Đức Huy.
TP - Chiều 11/2, Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải ô tô của ba đoàn liên ngành Tài chính-GTVT, theo đó, 3 đoàn kiểm tra 40 đơn vị kinh doanh vận tải ở cả 3 miền, và chỉ 1 doanh nghiệp bị phạt.

Kiểm tra 40, phạt 1

Theo công bố, 3 đoàn đã kiểm tra tại 40 đơn vị kinh doanh vận tải ở các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô lớn tại 3 khu vực: Miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng), miền Nam (TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một đơn vị bị phạt.

Đoàn kiểm tra phía Nam do Tổng cục Phó Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn lập biên bản vi phạm hành chính hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước. Hiện đoàn mới kiến nghị chuyển Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt nên chưa có mức phạt cụ thể.

Trao đổi bên lề với PV Tiền Phong, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến cho biết: Với quy định hiện tại rất khó xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm do thiếu chế tài. Ông Tuyến cũng là Trưởng đoàn kiểm tra phía Bắc với 20 đơn vị vận tải nằm trong diện kiểm tra. Kết quả kiểm tra 16 hãng taxi và 4 hãng vận tải hành khách tuyến cố định tại TP Hà Nội đưa ra còn chung chung, chỉ liệt kê các đơn vị với chú thích: Kê khai giảm giá phù hợp với giá nhiên liệu hoặc giảm giá hạn chế, cần giảm tiếp.

Khi đặt vấn đề này với người chủ trì buổi họp báo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Các đoàn kiểm tra có đầy đủ số liệu, nhưng do một số quy định pháp luật liên quan nên không thể công bố hết.

Vẫn rối tung 

Trong khi đó, khi được phản ánh tình trạng người dân đi xe bị nhà xe thu tiền vé và phụ thu dịp Tết Nguyên đán “vô tội vạ”, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), bà Phan Thị Thu Hiền cho biết: Các cơ quan từ trung ương đến địa phương của bộ đã thành lập các ban chỉ đạo để liên tục kiểm tra. Ngoài ra, cơ quan chức năng đề nghị các nhà xe phải niêm yết đường dây nóng của doanh nghiệp chủ quản và các cơ quan chức năng (Sở GTVT, Bộ GTVT) để người dân thông báo với lực lượng thanh tra xử lý khi nhà xe có hành vi vi phạm.

Với tư cách Trưởng đoàn kiểm tra tại miền Trung (Đà Nẵng), bà Hiền đưa ra ví dụ: Thực tế trên cùng một tuyến (bà Hiền nói không nhớ rõ - PV), có xe niêm yết giá vé 105.000 đồng/lượt, có nhà xe niêm yết giá vé 80.000 đồng/lượt. Qua kiểm tra thấy rằng, lượng khách trên xe có giá cao đông hơn xe có giá thấp như kể trên. Điều đó cho thấy, bên cạnh giá cả, vấn đề chất lượng dịch vụ, an toàn giao thông là những yếu tố cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải hiện nay. “Có người dân chấp nhận giá cao để được phục vụ tốt hơn và xe chợ cũng ít đi”, bà Hiền nói.

Đối với các hãng taxi chỉ giảm kê khai khi mở cửa, nhưng giá sau đó vẫn không đổi, hoặc giảm không đáng kể, ông Tuyến nói: “Chúng tôi chỉ tính từ km đầu tiên tới 20 hoặc 30 km tiếp theo”. Ông Phi Vân Tuấn bổ sung thêm: “Taxi dù có hiện tượng đó, còn taxi chính hãng làm việc đó không đơn giản”.

 Có tình trạng “chạy”  kê khai

“Thực chất các hãng vận tải hành khách tuyến cố định chạy liên tỉnh có thể kê khai tại tỉnh A nhưng sang tỉnh B để kê khai. Lý do tỉnh A quản lý chặt, không chấp nhận sự thay đổi mức giá kê khai lại, nên hãng xe “chạy” sang tỉnh B với sự quản lý lỏng lẻo hơn để kê khai giá. Qua kiểm tra đã phát hiện hiện tượng này, nên kiến nghị các địa phương phải phối hợp rà soát chéo giữa các tỉnh”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, phát biểu.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG