Ba vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương: Trả giá vì đô thị hóa quốc lộ

Lưu lượng xe ô tô qua đoạn đường QL5 địa phận Hải Dương rất lớn, nhưng người dân vẫn bất chấp tính mạng, xé rào băng qua đường Ảnh: Mạnh Thắng
Lưu lượng xe ô tô qua đoạn đường QL5 địa phận Hải Dương rất lớn, nhưng người dân vẫn bất chấp tính mạng, xé rào băng qua đường Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Chỉ nửa đầu năm, đoạn Quốc lộ (QL) 5 qua huyện Kim Thành (Hải Dương) liên tiếp hứng 3 tai nạn nghiêm trọng, trong đó vụ thứ 3 xảy ra ngay tại hiện trường của vụ tai nạn thứ 2. Chỉ 3 vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng của 14 người, 10 người bị thương. Đó là hậu quả của tình trạng “đô thị hóa” các tuyến QL trong nhiều năm qua và do công tác quản lý kém.

Dừng thu phí nếu không an toàn

Theo Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị quản lý và khai thác QL5 (Hà Nội - Hải Phòng), toàn tuyến do đơn vị này quản lý có 31 cầu vượt. Trong đó, đoạn qua Hưng Yên có 7 cầu, Hải Dương 14 cầu và Hải Phòng 8 cầu. Đa số cầu vượt này dành cho xe thô sơ, người đi bộ, chỉ một số dành cho cả ô tô.

Ngoài ra, trên toàn tuyến còn có trên 80 nút giao cắt, lối mở giải phân cách sang đường. Theo đơn vị quản lý, tuyến đường này trước đây đi qua các cánh đồng, nhưng nay đã nằm giữa phố, một bên là các khu dân cư san sát, bên còn lại là các khu công nghiệp với nhà máy, nhà xưởng liền kề nhau. Trong năm 2018, VIDIFI đã lắp đèn giao thông bổ sung thêm ở 3 vị trí. Tuy nhiên, tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra.

Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, để đảm bảo an toàn QL5, đơn vị này đã yêu cầu VIDIFI và các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo để làm đường gom, cầu vượt, đèn tín hiệu... Nhà đầu tư không thể lấy lý do về vốn để trì hoãn thực hiện. Vì đây cũng là hạng mục an toàn phục vụ khai thác, thu phí. Đường phải an toàn mới được thu phí, nếu quá thời hạn mà doanh nghiệp không triển khai các biện pháp tu sửa đường sẽ buộc phải dừng thu phí.

Buông lỏng quản lý

Tình trạng đường làm ra tới đâu, khu dân cư, công nghiệp mọc sát theo tới đó, đã diễn ra nhiều năm, ở hầu hết các tuyến quốc lộ huyết mạch. Ngoài QL5 còn có thể kể tới QL1A. Thậm chí, nhiều địa phương còn xây trường học, bệnh viện, chợ... sát mặt quốc lộ.

Như trên tuyến QL5, theo VIDIFI, hiện tại lưu lượng tuyến đường đã đạt gần 60.000 lượt xe/ngày đêm, trong khi thiết kế chỉ 15.000 lượt xe/ngày đêm. Thậm chí, tại vị trí xảy ra tai nạn mới đây, 2-3 nhà máy đã được xây dựng, bên đối diện hai nhà máy này là khu dân cư nên nhiều người sang đường liên tục. Thời gian tới, trên một số đoạn QL5 qua tỉnh Hưng Yên cũng có thêm vài nhà máy nữa bám sát mặt quốc lộ sẽ đi vào hoạt động.

Trên tuyến QL1A, nhiều đoạn đã bị nhà dân vây kín, trường học, bệnh viện mở cổng thẳng ra quốc lộ, trở thành mối nguy cho an toàn giao thông và tính mạng người dân. Như báo Tiền Phong đã đưa tin, đoạn QL1A đi qua xã Diễn Kỷ (Diễn Châu, Nghệ An), dù chỉ dài vài trăm mét, nhưng có tới 3 trường học, 1 trạm y tế, tất cả cổng chính của các công trình này đều mở thẳng ra QL1. Vào giờ cao điểm sáng/chiều, từng tốp học sinh lao ra đường lớn, nối đuôi nhau lách qua đoàn xe trên QL1A để sang đường. Những mối nguy đó ai cũng thấy nhưng vẫn cứ tồn tại. 

Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cho biết, tình trạng đô thị hóa hai bên quốc lộ diễn ra nhiều năm qua, thậm chí hành lang an toàn giao thông cũng bị lấn chiếm. Ông Thạch dẫn ví dụ tại QL5, bình quân cứ 100m lại có 1 lối đi dân sinh mở ra quốc lộ, chưa kể các lối đi tự phát cắt qua đường. Trong khi mật độ phương tiện đã cao gấp 3 - 4 lần thiết kế, nên nguy cơ tai nạn luôn rình rập.

“Để xảy ra tình trạng hành lang an toàn giao thông bị lấn chiếm, nhà dân, nhà máy mở cổng ra quốc lộ là trách nhiệm của địa phương. Địa phương không cấp phép, quản lý chặt chẽ về đất đai sẽ không xảy ra tình trạng đó”, ông Thạch nói. Ông Thạch cho biết, tới đây sẽ kiến nghị giảm tốc độ lưu thông trên QL5 từ 90km/h xuống thấp hơn để đảm bảo an toàn... Về lâu dài, sẽ cho làm cầu vượt, đường gom, nhưng việc này không dễ, cả về vốn và giải phóng mặt bằng.        

MỚI - NÓNG