Bắc Kạn: Nhà máy “đắp chiếu”, nông dân lao đao

Bắc Kạn: Nhà máy “đắp chiếu”, nông dân lao đao
Hàng ngàn hộ dân ở Bắc Cạn "sống dở chết dở" vì sắn. Giá sắn rẻ như bèo vì bị tư thương ép giá. Trong khi đó, nhà máy sản xuất tinh bột sắn Bắc Cạn vẫn nằm... "đắp chiếu".

Trên số báo 67, ra ngày 5/4, Tiền Phong đã đăng bài “Những nhà máy làm xong rồi.. “đắp chiếu”, trong đó có nhà máy sản xuất tinh bột sắn Bắc Kạn. Việc nhà máy không hoạt động được đã đẩy hàng ngàn hộ dân trồng sắn vào cảnh khốn khó. Sau hai năm trồng sắn, nhà máy không đi vào hoạt động làm cho sản phẩm của nông dân không biết bán đi đâu?

Sắn không có đầu ra - Nông dân...buồn

Một thời gian dài cây sắn trên địa bàn Bắc Kạn gần như bị lãng quên, chỉ khi tỉnh cho xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột sắn thì phong trào trồng sắn được sống dậy. Người nông dân trên toàn tỉnh rất phấn khởi đón nhận tin vui này, họ rất ủng hộ và hưởng ứng trồng sắn để xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Được nhà máy cấp giống sắn cao sản và làm cam kết bao tiêu sản phẩm, nên nhiều hộ dân càng tin tưởng và hăng hái trồng sắn. Ở huyện Chợ Mới, ngoài diện tích sắn hàng năm, nhiều hộ dân nhận giống của nhà máy về trồng xen canh với rừng nguyên liệu giấy.

Ở các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể... phong trào trồng sắn rất sôi động. Nhờ vậy, diện tích sắn trồng mới ở các huyện, thị xã tăng nhanh vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003. Riêng năm 2003 toàn tỉnh trồng mới được 3044 ha sắn.

Cuối năm 2003, vụ sắn cao sản đầu tiên được thu hoạch, nhưng nhà máy không hoạt động được, nông dân bí đầu ra cho sắn. Tuy vậy, nhà máy vẫn thu mua sắn của dân để vận chuyển đi nơi khác bán.

Việc thu mua sắn của nhà máy chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn rồi ...bỏ mặc nông dân. Nhiều hộ dân ở các xã Cao Kỳ, Nông Hạ, Nông Thịnh... (Chợ Mới) vận chuyển sắn tập kết ra Quốc lộ 3 chờ nhà máy đến tiếp tục thu mua, nhưng chờ mãi cũng không thấy “tăm hơi” cán bộ của nhà máy xuống thu mua.

Nhiều hộ dân tỏ thái độ chán nản, mất niềm tin với nhà máy, những hộ chưa thu hoạch thì không bảo vệ sắn, để trâu bò phá hoại.

Trước thực trạng nhà máy sản xuất tinh bột sắn không tiếp tục thực hiện cam kết thu mua sắn, nhiều hộ dân phá sắn chuyển sang cây trồng khác, phong trào trồng sắn lắng xuống, diện tích trồng sắn giảm dần.

Trong năm 2004, kế hoạch toàn tỉnh trồng 5000 ha sắn, nhưng kết quả thực hiện được 2944 ha; năm 2005 diện tích sắn toàn tỉnh mới trồng được gần 300 ha tại các huyện Chợ Mới, Ba Bể và Na Rì. Nhiều hộ dân không còn tin và hy vọng gì ở nhà máy.

Lao đao vì  sắn

Để lấy lại uy tín của hàng vạn hộ trồng sắn và để tiêu thụ hàng ngàn ha sắn đang thối dần, UBND tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần hối thúc chủ đầu tư Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Bắc Kạn tìm mọi biện pháp để khắc phục, đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động. Nhưng sửa chữa cả năm trời mà dây chuyền vẫn không chịu hoạt động.

Không thể kiên nhẫn chờ được việc sửa chữa, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn yêu cầu chủ đầu tư phải bỏ dây chuyền cũ, lắp đặt dây chuyền mới để tiêu thụ sắn cho nông dân.

Thời hạn cuối cùng là hết tháng 4/2005, nếu không tỉnh sẽ có biện pháp kiên quyết để xử lý vấn đề này theo pháp luật.

Trong hai năm 2003 - 2004, nông dân tỉnh Bắc Kạn trồng được 6000 ha sắn. Thời gian này nhân dân tiếc của, tiếc công nên vẫn tiếp tục thu hoạch và vận chuyển sắn đi tiêu thụ, nhưng giá rẻ... như cho vì bị tư thương ép giá, nhà máy không thu mua.

Ở huyện Na Rì, hiện diện tích sắn cho thu hoạch khoảng gần 400 ha, không biết tiêu thụ ở đâu, tư thương ép giá chỉ mua 400 đồng/kg mà phải vận chuyển ra Quốc lộ 3B nên một số hộ chế biến để chăn nuôi, nhiều hộ khác bỏ sắn thối ngoài bãi.

Xuống huyện Chợ Mới tìm hiểu thực tế, trong năm 2004 toàn huyện trồng mới được hơn 500 ha sắn, người dân cũng đã thu hoạch rải rác trong 3 tháng nay, chủ yếu sắn thu hoạch về để phục vụ chăn nuôi. Mãi đến tháng 3 vừa qua mới có một số tư thương ở tỉnh ngoài đến thu mua, một số hộ tiếc công, tiếc của lại thu hoạch về để bán.

Gia đình anh Mai Xuân Hoà ở Bản Còn - xã Nông Thịnh (huyện Chợ Mới), trồng được 2ha sắn, đến nay thu hoạch còn 0,6 ha chủ yếu dùng vào chăn lợn, chăn trâu, vừa qua có một số tư thương đến thu mua, mới bán được một ít, tuy nhiên giá thu mua của tư thương cũng rẻ.

Sắn vận chuyển đến tận Quốc lộ 3 mới bán được 400đồng/kg. Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Mai - Chủ tịch UBND xã Nông Thịnh, chúng tôi vào thôn Khe Lắc, đây là thôn có diện tích sắn khá lớn của xã Nông Thịnh, thôn có 50 hộ đồng bào Dao sinh sống, hộ nào cũng trồng sắn, hộ trồng ít vài nghìn m2, hộ trồng nhiều lên tới 1 - 2 ha mà không có đầu ra.

Hiện nay, giá thu mua của tư thương tại trung tâm mới có hơn 300 đồng/1kg. Anh Đặng Nguyên Hồng - Trưởng thôn Khe Lắc tâm sự: “Với giá sắn như thế này, thì chỉ có những hộ có đủ lao động và gần trung tâm xã mới thu hoạch và bán được, gọi vớt vát lấy chút công đã bỏ ra, còn những hộ trồng sắn ở xa trung tâm thôn 2 - 3 km, thì tiền thuê người vận chuyển cũng bằng tiền bán sắn, vì vậy họ cứ để ở trên bãi để chăn nuôi”.

Quả thật, quanh năm vất vả trồng được cây sắn, vốn đầu tư có thể lên tới cả triệu đồng/ha, đến khi cho thu hoạch mà không có đầu ra đã làm cho cả ngàn hộ nông dân lao đao.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.