Bài 1: Trắng đêm cùng EVFTA

Bài 1: Trắng đêm cùng EVFTA
Đêm trước thời khắc khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) cũng là một đêm thức trắng của 14 Tham tán thương mại Việt Nam, tại 14 điểm cầu khu vực EU, để đồng hành cùng doanh nghiệp cung cấp, trao đổi nhiều thông tin hữu ích, liên quan đến hiệp định.

2h30 sáng tại châu Âu, cũng là thời điểm tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với Liên minh châu Âu do Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham phối hợp tổ chức chính thức khai mạc.  

Đêm trước thời khắc vàng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (1/8/2020) cũng là một đêm thức trắng của 14 Tham tán thương mại Việt Nam, tại 14 điểm cầu khu vực EU, để đồng hành cùng doanh nghiệp cung cấp, trao đổi nhiều thông tin hữu ích, sâu sát về tình hình và xu hướng thị trường, tập quán thương mại, cập nhật các quy định chính sách mới và giải đáp thắc mắc, kiến nghị.

Ngày 1/8 là dấu mốc đầy ý nghĩa sau một thập kỷ nỗ lực đàm phán không ngừng nghỉ của cả hai phía Việt Nam – EU. Trước thời điểm quan trọng này, các Tham tán thương mại bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng rằng với nền tảng của mối quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện, khi EVFTA đi vào thực thi sẽ mở ra một giai đoạn phát triển đầy triển vọng trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, tạo xung lực mới để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hợp tác hai Bên đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, đồng thời hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới.

Từ Bruxelles, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU nhận định: EVFTA là một lợi thế lớn của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khi tiếp cận thị trường EU và khuyến nghị để tận dụng được tối đa các ưu đãi từ Hiệp định, mỗi doanh nghiệp phải tự có ý thức kinh doanh bài bản, cách tiếp cận chiến lược, để thiết lập quan hệ  hợp tác bền vững, lâu dài với các đối tác tại EU, đồng thời cũng cần chủ động bảo vệ doanh nghiệp mình và ngành của mình, không tham gia vào các hành vi gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để các nước khác trục lợi từ EVFTA.

Tham tán Trần Ngọc Quân cho biết, EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra những tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại EU – một trong những khu vực tâm dịch của thế giới. Dịch bệnh đã gây ra một cú sốc kinh tế trầm trọng đối với toàn khối Liên minh và các nước thành viên.

Ủy ban châu Âu dự kiến GDP năm 2020 sẽ giảm xuống mức -8,3%, và phải sang đến năm 2021 mới phục hồi trở lại, ở mức tăng trưởng 5,8%.  Thị trường EU nhiều khả năng rơi vào suy thoái, các yếu tố bất định vốn đã tiềm ẩn trong những năm gần đây, đặc biệt sau sự kiện Brexit, nay càng bộc lộ sâu sắc bởi đại dịch. Những biến động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - thương mại và dẫn đến những thay đổi chính sách cũng như tập quán, xu hướng tiêu dùng tại châu Âu.

Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế ảm đạm, nhiều điểm sáng tích cực đã bắt đầu xuất hiện: Nguồn cung ứng dần được cải thiện; thị trường bán lẻ tăng trở lại; EU cũng đã mở cửa biên giới nội khối và từng bước dỡ bỏ lệnh hạn chế tạm thời đối với nhiều quốc gia; đồng thời tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để duy trì và khôi phục các hoạt động kinh tế thiết yếu. Trong bối cảnh đó, EVFTA với các cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường và xóa bỏ thuế quan được kỳ vọng sẽ là cơ hội để quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EU nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch.

Theo ông Quân, EU là thị trường có dung lượng lớn và nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô nhập khẩu thứ hai thế giới. Việc tiếp cận, thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng hợp tác giao thương đồng thời với 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một số thị trường nhất định và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài 1: Trắng đêm cùng EVFTA ảnh 1
 

Về việc triển khai hiệp định, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu đánh giá: hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ tập trung khai thác một số thị trường các nước Tây Âu truyền thống, vẫn còn bỏ ngỏ các nước khác trong khu vực. Cuộc khủng hoảng COVID-19 vừa qua đã cho thấy rõ việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống đem lại rủi ro lớn cho nền kinh tế. Chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, và chuỗi cung ứng sẽ là chìa khóa để quản lý rủi ro trong trường hợp có những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu, cũng như thiên tai, bệnh dịch xảy ra.

Do vậy, Bà Nguyễn Hoàng Thúy nhấn mạnh bên cạnh việc tiếp tục củng cố và phát triển thị phần tại các thị trường cửa ngõ truyền thống, Việt Nam cần mở rộng khảo sát, khai thác các thị trường nhỏ hơn, các thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang EU27 lên tới 35,8 tỷ USD, trong đó 7 nước EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là Đức, Hà Lan, Ý, Pháp, Áo, Tây Ban Nha, và Bỉ chiếm khoảng 82% tổng kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này.  Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước xuất khẩu lớn nhất vào EU, tuy nhiên mới chỉ chiếm 1,8% thị phần tại EU.

Theo Trung tâm thương mại thế giới (ITC), tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu đối với 7 đối tác lớn là 65%.  Còn đối với 20 thị trường nhỏ hơn thì lên tới 98%. Đây cũng là các thị trường còn rất nhiều dư địa xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh: Hiệp định EVFTA sẽ mở cửa rộng hơn cho các hàng hóa Việt Nam vào EU với hàng loạt các dòng thuế được bãi bỏ

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.