Bài học phát triển của Trung Quốc

Bài học phát triển của Trung Quốc
“Năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng có phần không đáp ứng được nhu cầu xử lý tình hình mới và nhiệm vụ mới. Cần tiến hành điều tra và nghiên cứu có chiều sâu về một số vấn đề thực tiễn liên quan đến cải cách, phát triển và ổn định”.
Bài học phát triển của Trung Quốc ảnh 1
Khói bụi ở một nhà máy tại Trung Quốc

Ông Hồ Cẩm Đào, trong báo cáo trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 15-10, đã thừa nhận như vậy. Vì sao?

Tổng cộng trong bản báo cáo của mình, ông Hồ Cẩm Đào đã 15 lần nhắc đến vấn đề năng lực lãnh đạo cầm quyền này. Khi nhấn mạnh đến “nghiên cứu có chiều sâu”, ông muốn nhắc nhở nghiên cứu là để cảnh báo, soi đường chứ không phải để phụ họa.

Khi chỉ rõ đối tượng nghiên cứu là “một số vấn đề thực tiễn liên quan đến cải cách, phát triển và ổn định”, ông muốn nhắc cải cách, phát triển ở Trung Quốc từ 30 năm qua không hẳn đã đem lại ổn định như mong muốn.

Trong một hội thảo về xã hội hài hòa ở Bắc Kinh vào tháng tám năm nay, tức hai tháng trước đại hội ĐCS Trung Quốc, Ifzal Ali - kinh tế gia trưởng của ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) - đã phát biểu rất cụ thể: “Nhất thiết phải tách biệt bất bình đẳng trong các cơ hội khỏi bất bình đẳng trong hậu vận của mỗi người”.

Nôm na mà nói: hoàn cảnh bất bình đẳng đã dẫn đến bất bình đẳng về thành đạt trong cuộc sống; sở dĩ các cá nhân này không ngóc đầu lên nổi trong khi các cá nhân kia thành đạt là do hoàn cảnh bất bình đẳng đó; chính vì thế phải chấm dứt bất bình đẳng trong cơ hội. Theo Ifzal Ali, cần phải tạo cơ hội đồng đều bằng cách tập trung loại bỏ những hoàn cảnh bất công.

Có thể thấy khi dùng cụm từ “bất bình đẳng trong các cơ hội”, ông Ifzal Ali đã nêu cụ thể những nguy cơ tiềm tàng mà ông Hồ Cẩm Đào nhắc đến ở trên. Các vấn đề liên quan đó là: khi cải cách, khi sự phát triển chỉ đem lại cơ hội làm giàu vượt trội cho một số người, thì cải cách đó, phát triển đó lại khởi đầu cho những bất ổn định.

“Xưởng sản xuất mồ hôi”

Tài liệu “Asian development outlook update 2007” của ADB lưu ý rằng Trung Quốc đang phải giải quyết các hậu quả của một nền kinh tế quá hướng đến xuất khẩu và ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.

Khu vực kinh tế thứ nhất (khai thác tài nguyên thiên nhiên) chỉ thu hút từ 2-4% vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), khu vực thứ ba (dịch vụ) mà chủ yếu là địa ốc thu hút 24-28% vốn FDI, số còn lại, khoảng 70% tổng vốn FDI, là vào các nhà máy vải sợi, may mặc, giày dép, đồ chơi, điện tử...

FDI hướng đến thị trường nội địa rất ít so với FDI hướng đến xuất khẩu (chiếm 2/3 tổng vốn FDI). Giá trị thặng dư từ quá trình may gia công để tái xuất này chỉ là chút ít xu trả cho nhân công. Trung Quốc (và cả Việt Nam bây giờ) là một trong những trung tâm gia công cho một công ty trung gian của Đài Loan chẳng hạn.

Trường hợp Công ty Pou - Chen nhận gia công cho Adidas, Nike, Reebok... rồi sang Trung Quốc hay Việt Nam mở nhà máy, thuê thợ vào may gia công, thay vì mở xưởng tại Đài Loan... chẳng qua là một thí dụ cho huyền thoại xuất khẩu và FDI.

Các thí dụ vừa nêu đầy dẫy trong nghiên cứu Foreign direct investment in China: What the figures don't tell us? (Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc: các số liệu còn giấu ta điều gì?”).

Khi tiền công lao động chỉ ngang với lương tối thiểu thì các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu ấy còn được gọi là “xưởng mồ hôi”. Định nghĩa của Từ điển bách khoa Britannica như sau: “Đó là một nơi làm việc mà người lao động bị sử dụng với đồng lương thấp và trong những điều kiện có hại cho sức khỏe hoặc trong những điều kiện áp bức. Tại Anh, từ ngữ này sớm được dùng từ những năm 1850...”.

Thời đó, giá trị thặng dư chỉ mới về tay chủ sử dụng công nhân. Nay về tay tầng tầng lớp lớp trung gian. Một đôi giày thể thao như Nike, Adidas... từ đôi tay người lao động ở Trung Quốc đến tay chủ lao động Pou - Chen đã sinh lợi được một nấc, từ Pou -Chen đến Nike, Adidas thêm một nấc sinh lợi nữa, lần này rõ cao. Từ Nike, Adidas đến các chủ dây chuyền siêu thị lại thêm một nấc sinh lợi gấp bội nữa.

Tờ Nanfang Cuối Tuần của Trung Quốc, trong bài Đổ mồ hôi máu đã viết: Công ty giày Shangyi trước đây là nhà máy lớn nhất ở làng Hiền An, huyện Nam Hải, thành phố Phật Sơn. Cách đây nửa năm, nhà máy vốn Đài Loan này đóng cửa, chủ nhân biến mất.

Tháng rồi, Phòng lao động và an sinh xã hội tỉnh Quảng Đông cho biết công ty này còn nợ 1.700 công nhân hơn 480 triệu tệ tiền lương. Phòng này cũng cho biết 19 công ty khác cũng vi phạm nghiêm trọng luật lao động. Báo chí khi đưa tin vụ này, gọi các nhà máy này là “nhà máy mồ hôi máu” do lẽ dân chúng tin rằng họ bóc lột công nhân cả máu lẫn mồ hôi.

Không chỉ bóc lột lương, làm việc ngoài giờ còn là một cách thức khác chà đạp lợi ích công nhân. Lương ngoài giờ ban đêm chỉ 1,5 tệ/giờ, thấp hơn lương qui định là 2 tệ/giờ.

Ở Nhà máy Shangyi, công nhân làm việc đến 5g30 chiều và làm ngoài giờ từ 6g30 đến nửa đêm. Có nghĩa là họ làm việc hơn 12 giờ một ngày, vượt xa mọi giới hạn của luật pháp: “Không làm ngoài giờ vào thứ bảy, nghỉ làm ngày chủ nhật”.

Làm ngoài giờ khiến người ta mệt mỏi cực độ. Đây là lý do chủ yếu giải thích tại sao tai nạn lao động xảy ra thường xuyên.

Những ngày ít ỏi trong năm mà công nhân vui vẻ là những ngày “thanh tra nhân quyền” đến kiểm tra. Đêm trước ngày thanh tra, các quản đốc tập hợp công nhân lại và dạy họ học thuộc lòng câu trả lời cho các câu hỏi của thanh tra. Học chuẩn bị lớp lang như thế rất nhức đầu song đồng lương nhận được ngày hôm sau sẽ đầy bất ngờ thú vị.

Các “thanh tra nhân quyền” quan sát hết buổi phát lương và hỏi thăm công nhân nhận được bao nhiêu. Luo Zhanglin buột miệng trả lời: “Thưa, nhiều hơn bình thường 400 tệ ạ”. Các “thanh tra nhân quyền” này do khách hàng của công ty cung cấp hoặc do một tổ chức trung gian, theo đúng công ước quốc tế. Họ đại diện cho thân chủ của họ đến xem nhà cung cấp có vi phạm các luật lệ lao động hay không.

Tuy chẳng công nhân nào dám nói ra sự thật với các “thanh tra nhân quyền” khi có mặt các đốc công, họ vẫn hoan hỉ khi phái đoàn đến. Tại sao họ lại nín lặng khi “thanh tra nhân quyền” đến? Đó là do nín lặng có lợi ngay trước mắt cho họ chứ không phải họ không hiểu điều gì đang diễn ra. Đó là do họ nghĩ rằng đa số các nhà máy đều như thế cả.

Công bằng mà nói, trong những năm gần đây chính phủ cũng đã làm nhiều việc nhằm cải thiện điều kiện lao động của công nhân di trú và bảo vệ quyền lợi của họ, nhất là quyền lợi về lương bổng. Phòng lao động và an sinh xã hội tỉnh Quảng Đông thường công bố danh sách 20 xí nghiệp vi phạm luật lao động nhất, một thay đổi chiến thuật nhằm tránh bị cáo buộc là “can thiệp hành chính” mà vẫn gây được sức ép nơi các xí nghiệp này. Quá lố thì tỉnh truy tố ra tòa.

Nhờ sự giám sát của chính quyền và xã hội, nhiều nhà máy nay nhận thức ra rằng họ cần thay đổi.

Cái giá phải trả nơi môi trường

Một tin cực kỳ “khó tin vào mắt” hôm thứ hai 12-11: “Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc 750.000 USD”.

Thông cáo của ADB cho biết dự án “tăng cường năng lực” này nhằm giúp các cơ quan của Trung Quốc lên kế hoạch, thiết kế, thực hiện, quản lý, theo dõi và giám sát các dự án của ADB tài trợ. Tăng cường năng lực nhằm cải thiện hiệu quả của đồng vốn, cung cách quản lý hướng đến kết quả, chuyển giao các bài học rút ra được cho khu vực công. Rõ ràng là đối với ADB, quản lý hiệu quả đồng vốn vẫn còn là một điều mà Trung Quốc còn cần phải học nhiều.

Ngày 2-11 vừa qua ADB loan báo cho Trung Quốc vay 100 triệu USD để giúp giải quyết một số vấn đề trong tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc. Đây là dự án tín dụng thứ nhì của ADB giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm con sông lớn thứ ba Trung Quốc là Tùng Hoa, tại khu vực hai thành phố Thường Xuân và Diên Cát.

Đủ thứ độc hại, từ hóa chất hữu cơ đến kim loại nặng, chất thải con người... đều được tống vào đây. Mãi đến giờ người ta mới giật mình nhận ra 3,6 triệu người đang sống với một con sông rác rến. ADB cho vay 100 triệu USD, chính quyền Trung Quốc bỏ ra 252,68 triệu. Trước dự án này, ADB đã cấp vốn cho một dự án khác liên quan đến cấp nước và rác thải cũng ở tỉnh Cát Lâm.

Trong khi đó, số địa điểm có vấn đề về môi trường lại đầy rẫy.

Làm thế nào mà một nước có nền kinh tế đứng thứ tư thế giới lại phải vay tiền ADB để “làm môi trường”, “học làm dự án”?

Thật ra, đằng sau “bức trướng” xuất khẩu hoành tráng là gì? 2/3 số nhà máy có vốn FDI, chi phí lao động, tức lương nhân công, là bao nhiêu? Giá trị thặng dư còn lại cho Trung Quốc là bao nhiêu?

Nghiên cứu Foreign direct investment in China: What the figures don't tell us? trang 11 cho biết: “Năm 2000, trị giá hàng nhập khẩu của các xí nghiệp từ đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm đến 98% trị giá hàng xuất khẩu”.

Trên một bình diện khác, 150 triệu người lao động di trú từ nông thôn lên thành thị, chừng ấy người trong các nhà máy “sản xuất mồ hôi”... là chừng ấy quả bom nổ chậm nếu như giá trị thặng dư của cải cách cứ tiếp tục không san sẻ cho họ.

Nay là lúc mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn lại. Trong báo cáo tại Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 17, ông Hồ Cẩm Đào nhìn nhận: “Tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã được thực hiện với cái giá tài nguyên và môi trường cực kỳ cao. Cái giá đó còn là sự mất cân bằng trong phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực, giữa kinh tế và xã hội”.

Theo Hữu Nghị
Tuổi trẻ

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.