Bài học từ 'Những đại bàng đang gãy cánh': Đừng ham rẻ mà lĩnh hậu quả

Dự án Gang thép Thái Nguyên giờ chỉ còn là đống sắt vụn. Ảnh: Hữu Việt.
Dự án Gang thép Thái Nguyên giờ chỉ còn là đống sắt vụn. Ảnh: Hữu Việt.
TP - Việt Nam cần tổng rà soát lại các dự án, phân loại để xử lý. Đặc biệt, cần xem lại các điều kiện đấu thầu, không ham rẻ để gánh hậu quả như hàng loạt dự án phía Trung Quốc trúng thầu thời gian qua.

Chiều 20/5, báo Tiền Phong đã tổ chức giao lưu trực tuyến: Lối thoát nào cho những đại dự án đang thoi thóp, sau loạt bài “Những đại bàng đang gãy cánh”. 

Vì sao nhiều “xác sống”

Nói về các dự án (DA) “thoi thóp” mà Tiền Phong nêu trong loạt bài “Những đại bàng đang gãy cánh”, chuyên gia kinh tế -TS Lê Đăng Doanh cho biết, trong kinh tế học gọi là “xác sống”.

Ông cũng đề xuất Tiền Phong phối hợp, tiếp tục bổ sung thêm các DA như loạt bài “đại bàng đang gãy cánh”. Chẳng hạn, DA Quốc lộ 1A vay tiền của ADB, WB… nhưng chưa được 5 năm đã sửa chữa. Hay nhóm các DA đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông.

Nhà nước đã vay tiền làm nền, xây dựng, các DA BOT chỉ láng lớp nhựa trên lại được thu tiền. TS Doanh nói: “Tôi còn biết, tùy theo biến động lạm phát, có thể nâng giá mỗi năm tăng khoảng 6%...Thế nhưng, nhiều con đường làm xong, sau đó lại nát bươm, như chân gà, nhăn nhúm”.

Tại sao những DA kém hiệu quả lại tăng ghê gớm trong 10 năm qua, có phải vì do phân cấp hay không? TS Doanh cho rằng, cần xem lại các DA mà Tiền Phong đã nêu, nó khác với thông lệ quốc tế là trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và trách nhiệm cá nhân.

Theo vị chuyên gia này, người thường làm sai có thể bị bỏ tù, nhưng ở đây có nhiều DA thiệt hại tới hàng chục nghìn tỷ đồng mà chẳng ai bị làm sao cả, thậm chí còn lên chức. “Anh muốn trả nợ thì nguồn thu phải vượt ngân sách. Nhưng ở đây, nợ anh chưa trả, lãi cũng chưa nhưng anh lại đi vay nữa. Như thế không có ngân sách nào chịu nổi”- ông Doanh nói.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ở đây không chỉ là vấn đề cá nhân, mà là chế độ quản lý nhà nước, bố trí nhân sự... Theo ông, như DA Gang thép Thái Nguyên, lúc đầu nghiên cứu vốn đầu tư thấp, lúc phê duyệt rồi lại đội vốn lên, rồi tiếp tục nâng lên nữa. Chúng ta thấy nhiều DA như thế.

Ông Thành cho rằng, ở đây, đi xa hơn vấn đề cơ chế chính là tư duy. “Làm ra sản phẩm không cần tính tới giá thành, hiệu quả kinh tế. Tức là làm nhà máy sản xuất ra gang thép là được, còn làm để làm gì, bán cho ai, không rõ?”.

“Ai là người duyệt các dự án, ai giám định? Đây không phải là chỉ vấn đề phân cấp. Điểm chung là có công khai minh bạch hay không. Nếu công khai thì có đụng chạm ai hay không, trách nhiệm của ai. Nhiều khi không phải ai trốn tránh thế nào mà là trách nhiệm này là của tập thể” 

Ông Bùi Kiến Thành

Theo ông, DA Gang thép Thái Nguyên giờ chỉ còn là đống sắt vụn, công nghệ “những năm gì gì đó”. “Nó giờ là con gà chặt một nửa, nếu cứu, thêm nửa con gà nữa sẽ thành con vịt. Đầu gà, đít vịt, vậy có nên làm tiếp hay không”- TS Thành đặt vấn đề.

Ông Thành cũng chỉ ra như DA Cảng Cái Mép-Thị Vải, lúc đầu đưa ra, Cục Hàng hải (Bộ GTVT) từng không đồng ý, nhiều ý kiến phản biện nhưng vẫn làm như thường, làm mà không dựa vào cơ sở khoa học nữa…

“Ngoài ra ai là người duyệt các dự án, ai giám định? Đây không phải là chỉ vấn đề phân cấp. Điểm chung là có công khai minh bạch hay không. Nếu công khai thì có đụng chạm ai hay không, trách nhiệm của ai. Nhiều khi không phải ai trốn tránh thế nào mà là trách nhiệm này là của tập thể”- ông Thành nói.

Theo ông Thành, có thể nói nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là tư duy “công lao của cá nhân, trách nhiệm tập thể”, nên không ai chịu trách nhiệm cả. “Để xử lý vấn đề chúng ta phải bắt nguồn từ đào tạo nhân lực. Đặt người có đúng chỗ hay không, người đó được đào tạo ra sao, có thực sự đủ tầm và đủ tài để làm việc hay không”.

Từ góc nhìn của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, những DA mà Tiền Phong “điểm danh” chỉ là một phần nhỏ trong những DA chúng ta mắc kẹt. Theo ông, đến lúc Bộ KH&ĐT phải tổng rà soát lại các DA, chấm dứt tình trạng đầu tư kém hiệu quả này. “Nếu phân cấp, cũng phải kiểm tra lại, phân cấp thế nào, chứ thả ra không nắm được, xảy ra chuyện mới biết, lúc đó, cứu cũng không xong”.

Còn theo ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ phó Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT), các DA thoi thóp như báo Tiền Phong phản ánh, phần lớn được quyết định đầu tư trong giai đoạn phân cấp cho các bộ ngành, địa phương quyết định. Ông Tráng cho rằng, để xử lý các DA trên, cần đánh giá từng phương án đầu tư cụ thể; cũng có thể nghiên cứu phương án bán DA, hoặc kêu gọi đầu tư vào DA…

Bài học từ 'Những đại bàng đang gãy cánh': Đừng ham rẻ mà lĩnh hậu quả ảnh 1

Lãnh đạo báo Tiền Phong và các đại biểu tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thanh Hà.

Dính bẫy vì ham rẻ

Đặt vấn đề nhiều DA “thoi thóp” đa số do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, như nhà máy Gang thép Thái Nguyên được ví như “chúng ta nhờ đối thủ luyện võ để đánh lại đối thủ”, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho rằng “võ không học được mà chúng ta chịu thiệt nhiều hơn”.

Điểm lại các DA trọng điểm hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, hầu hết DA đều do Trung Quốc trúng thầu như 9 nhà máy điện, nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy đạm Ninh Bình, đường sắt trên cao tại Hà Nội...

Theo ông Thành, Bộ KH&ĐT cần nghiên cứu về quy trình, cơ chế đấu thầu ra sao, chứ không phải vì giá rẻ mà lựa chọn. “Chúng ta nói tầm quan trọng của công nghệ, nhưng cuối cùng đều phải thua anh giá cả”-ông Thành nói. Ông cũng lo ngại nhiều DA trọng điểm Quốc gia do phía Trung Quốc trúng thầu, khi các điều kiện về tài chính nhà thầu khác không thể đáp ứng được.

Cùng ý kiến, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam thiếu vốn nên phải đi vay để đầu tư, trong khi Trung Quốc có quỹ khuyến khích cho vay. “Nhà thầu Trung Quốc vẽ ra các DA với mức giá thấp nhất, kế hoạch chi tiết đều hay. Thông thường, ông nào bỏ giá thấp là trúng, nhưng đến khi làm, họ lại nâng giá”- ông Doanh nói.

TS Doanh nêu điển hình DA đường sắt trên cao ở Hà Nội, được một công ty của Trung Quốc chưa xây dựng đường sắt lần nào trúng thầu với giá hấp dẫn nhất. Khi làm, họ đội giá lên khiến mình lao đao theo. Đáng ra, chúng ta phải thuê công ty nước ngoài giám sát để đảm bảo chất lượng.

Theo ông Doanh, “bẫy” của Trung Quốc là chìa vốn ra và dựa vào luật đấu thầu, đánh lừa Việt Nam. Khi họ thi công mình không giám sát được. Ông Doanh kể về 1 chuyến thăm nhà máy nhiệt điện, dù không phải chuyên gia điện, nhưng ông cam đoan máy móc vận hành là “đống rác thải công nghệ, nhặt ở đâu về vứt cho Việt Nam”. Thậm chí, có chuyện doanh nghiệp Trung Quốc đại lục đội danh nghĩa là công ty Đài Loan, Macao, HongKong để đầu tư vào Việt Nam.

“Lỗ hổng lớn nhất của luật đấu thầu là dựa trên giá rẻ lựa chọn nhà thầu. Chúng ta cần thay đổi, phải lựa chọn nhà thầu cho DA dựa trên công nghệ. Hơn nữa, khi trúng thầu cần có điều kiện bắt buộc nhà thầu tuân thủ điều kiện thực hiện công trình”, chuyên gia Thành đánh giá.

Quy hoạch theo kiểu xin - cho

Bài học từ 'Những đại bàng đang gãy cánh': Đừng ham rẻ mà lĩnh hậu quả ảnh 2
Theo TS Lưu Bích Hồ, muốn đầu tư phải có quy hoạch. Tuy nhiên, chúng ta đang làm quy hoạch ồ ạt, lộn xộn. Vì thế, nhiều dự án chưa đắp chiếu rồi sẽ đắp chiếu.

Chúng ta đang đầu tư theo kiểu đăng ký cho bằng được, “xếp gạch giữ chỗ” xong rồi thu xếp vốn sau, hoặc nói dối đã có vốn. Đầu tư được một phần rồi hết vốn, dự án đắp chiếu chờ được “bơm” tiền tiếp. Thậm chí, không chỉ có xin cho về vốn, việc xin- cho quy hoạch cũng rất ghê gớm.

Trong đầu tư công, để xảy ra tình trạng nhiều dự án thoi thóp như hiện nay một phần do tư tưởng duy ý chí. Cái gì cũng làm, làm càng nhiều càng tốt, đó là biểu hiện của bệnh thành tích, cùng với lợi ích nhóm.

Ở đây là chính là bộ máy và con người. Bộ máy phải có khung thế nào để con người vận hành bộ máy cho tốt, nói là làm và làm quyết liệt, không làm được phải xử lý, không nói xong rồi bỏ đó.

Nam Khánh

Rà soát dự án đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên

Bài học từ 'Những đại bàng đang gãy cánh': Đừng ham rẻ mà lĩnh hậu quả ảnh 3
Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ phó vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương rà soát các dự án đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Theo đó, tất cả dự án đã có quyết định đầu tư (dù đã triển khai hay chưa), chưa hoàn thành quyết toán đều phải rà soát.

Toàn bộ hồ sơ liên quan đến báo cáo thẩm định dự án, các quyết định phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu; báo cáo về tình hình giải ngân; biên bản nghiệm thu, bàn giao… phải gửi bản sao về cơ quan quản lý để đánh giá. Việc báo cáo phải cụ thể tổng số vốn, quy mô dự án, diện tích sử dụng đất, các mốc thời gian về dự án…Việc rà soát này nhằm bảo đảm đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.

Ngọc Linh

MỚI - NÓNG