Bài toán chi tiêu thời tăng giá

Bài toán chi tiêu thời tăng giá
Trong bối cảnh hàng loạt mặt hàng đang trên đà tăng giá, việc giải “bài toán” chi tiêu sao cho hợp lý nhất đối với đa số người tiêu dùng đang trở nên khó khăn. Mỗi người một cách tính toán và mỗi quyết định đưa ra thường được người tiêu dùng lựa chọn dựa trên… túi tiền.

Nhằm theo dõi và đánh giá về sức mua sắm hàng hoá của người tiêu dùng trong dịp cuối năm, nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức cuộc khảo sát Tin&Dùng năm 2010, tại ba siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, gồm Mê Linh Plaza, Fivimart và Grand Plaza.

Dưới đây là một số ghi chép về những tâm tư và phản ánh của người tiêu dùng có mặt tại ba siêu thị trên đối với hoạt động mua sắm dịp cuối năm, thời điểm thường có những biến động lớn về giá cả, trong khi thu nhập vẫn còn nhiều hạn chế.

Sắp xếp ưu tiên

Trao đổi với nhóm khảo sát, đa số người tiêu dùng đều cho rằng trong thời kỳ “thóc cao gạo kém”, họ thường buộc phải đẩy lùi lại những dự định đã có từ trước để ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu cho gia đình, nhất là khi Tết nguyên đán đang đến gần.

Có mặt tại Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza, ông Đinh Văn Miết trú tại Gia Trung (Mê Linh) cho biết, cả 5 thành viên trong gia đình ông đều là công nhân với tổng thu nhập hằng tháng chỉ hơn 10 triệu đồng. Vì vậy, đứng trước hiện tượng tăng giá đồng loạt thì gia đình ông bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu để cân bằng tài chính. “Chúng tôi đã quyết định không xây nhà nữa vì nghe nói giá vật liệu xây dựng đang tăng. Do nguồn tài chính eo hẹp, gia đình tôi phải ưu tiên các mặt hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm hằng ngày trước đã”, ông Miết giãi bày.

Là kế toán viên của một trường tiểu học trên địa bàn Mê Linh, chị Minh Châu cũng chia sẻ: Sự leo thang của giá cả những tháng gần đây đã ảnh hưởng rất lớn cho cuốc sống của gia đình trẻ của chị. Giá cả tăng trong khi lương không tăng và không có các khoản phụ cấp khác nên gia đình chị chỉ mua những mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thật thiết thực, chưa nghĩ gì đến chuyện mua hoặc thay đổi các sản phẩm gia dụng đắt tiền như tivi, tủ lạnh...

“Nhưng điều quan trong là chúng tôi luôn gặp khó khăn khi tìm những sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường trong khi giá cả thật ưu đãi đối với những người tiêu dùng có thu nhập thấp như những gia đình trẻ như chúng tôi”, chị Châu nói.

Tính toán chi ly hơn, chị Thu Minh trú tại Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy) giãi bày: “Giá các mặt hàng tăng hay giảm là một trong những vấn đề mà tôi quan tâm nhiều nhất trong mỗi ngày. Thời gian gần đây, tôi thấy giá của hầu hết các mặt hàng đều tăng, có những mặt hàng tăng đến 40 - 50%.

Là người phụ nữ chăm lo cơm ăn áo mặc cho cả nhà, hàng ngày phải đi chợ, nấu ăn, tôi thấy giá cả cứ tăng như thế này thì rất ảnh hưởng đến chất lượng sống của mọi người, mọi nhà. Lương thì chưa kịp tăng mà giá cả cứ vùn vụt leo thang.

Từ tiền học phí cho con, tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe rồi tiền đi chợ hàng ngày… của gia đình tôi cứ tăng theo từng tháng, tháng sau lại thấy cao hơn tháng trước, hôm sau cao hơn hôm trước, thậm chí sáng chưa tăng chiều đã tăng.

Lựa chọn trong tất cả các khoản chi phí hàng tháng của cả gia đình, tôi thấy chỉ có mỗi tiền đi chợ hàng ngày là có thể giảm đi được thôi. Nếu trước đây, mỗi bữa nhà tôi ăn 3 lạng thịt thì bây giờ tôi chính thức phải mua ít đi, chỉ mua 2 lạng thôi. Rồi đến cá, rau xanh và gia vị cũng vậy, mỗi thứ phải giảm đi một ít. Không chỉ riêng tôi mà chắc chắn rất nhiều người tiêu dùng đều mong muốn mua được sản phẩm sạch, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình”.

Hay như gia đình anh Tuấn Anh trú tại ngõ 232 Chùa Bộc, gia đình anh có kế hoạch mua một chiếc xe tay ga để đi vào dịp Tết nhưng rồi cũng phải “xếp” lại để ưu tiên cho các nhu yếu phẩm.

“Giá cả liên tục tăng là một trong những đề tài được tất cả mọi người quan tâm. Nhất là thời gian gần đây, giá vàng, đôla và lãi suất ngân hàng đều tăng đã kéo theo giá cả mặt hàng khác cũng tăng theo làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chi tiêu của mỗi người, mỗi gia đình. Thu nhập hàng tháng của tôi được hơn 10 triệu. Trước đây, nếu trừ các khoản chi tiêu đi, mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được 3 triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, mỗi tháng tôi chỉ gửi vào tài khoản tiết được 1,5 triệu đồng. Vậy là kế hoạch mua xe của tôi sẽ bị chậm lại mất gần 1 năm”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

“Săn” khuyến mãi

Cùng với việc phải tính toán lại kế hoạch mua sắm, đa số người tiêu dùng có chung một quan điểm là tìm các điểm khuyến mãi, các mặt hàng khuyến mãi. Hiện trên địa bàn Hà Nội đang vào đúng mùa khuyến mãi, do đó, hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị lớn nhỏ đều nườm nượp người ra vào.

Chị Phạm Thị Kim Lương trú tại Yết Kiêu (Hà Đông) cho biết, chị là người làm kinh doanh nên chị hiểu được sự tăng - giảm thị trường, đặc biệt là sự tăng giảm thất thường trong dịp cuối năm. Vì vậy, gia đình chị vẫn phải mua hàng để phục vụ những nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng nội thất đắt tiền thì vẫn phải đi “lùng” các chương trình khuyến mãi.

Giống như chị Lương, anh Chu Văn Hoàn trú tại quận Hai Bà Trưng cũng tìm đến Mê Linh Plaza để theo dõi các chương trình khuyến mãi. “Gia đình tôi buộc phải cắt giảm chi tiêu một số những mặt hàng như đồ trang trí nội thất. Nhưng do đang sửa nhà nên tôi cùng gia đình đến Mê Linh Plaza để tham khảo sản phẩm và tìm kiếm những chương trình khuyến mãi hấp dẫn”.

Dù không quan tâm nhiều đến hiện tượng tăng giá của các mặt hàng thực phẩm song với các mặt hàng nội thất, đồ gia dụng có giá trị cao, chị Hà trú tại Trung Yên - Yên Hoà (Cầu Giấy) cũng cho biết rất chịu khó đi “săn” khuyến mãi.

“Là các bộ nghiên cứu khoa học, nhà lại ít người nên vấn đề giá cả thực phẩm leo thang tôi không quan tâm nhiều lắm bởi thu nhập của gia điình cũng đủ chi tiêu cho những sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, việc theo dõi các thông tin khuyến mãi trong tháng và những thời điểm ngày vàng, giờ vàng vẫn được tôi cùng bạn bè quan tâm. Tôi thích mua đồ ở Mê Linh vì không gian rộng và nhất là có nhiều lựa chọn”, chị Hà nói.

Theo An Nhi
VnEconomy

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG