Ban bố tình trạng khẩn cấp khi có sự cố về điện

Ban bố tình trạng khẩn cấp khi có sự cố về điện
TP - Khi xảy ra sự cố điện nghiêm trọng (thảm họa lớn), có thể ban bố tình trạng khẩn cấp. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Điện lực (bổ sung, sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng qua (20-11). Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

> Bệnh viện đột ngột mất điện: Bác sỹ, bệnh nhân nín thở
> Cáp ngầm điện áp cao thế bị kéo đứt dưới sông

Báo cáo tiếp thu, giải trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, do Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng trình bày cho biết: Một số ý kiến ĐBQH lo ngại về tình trạng phát triển thủy điện hiện nay, đề nghị bổ sung quy định về an toàn đập, hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện; trách nhiệm xử lý, quản lý các công trình thủy điện khi kết thúc sử dụng, tình trạng khẩn cấp, trình tự, thủ tục xử lý tình trạng khẩn cấp khi có sự cố về điện…

Đây là những nội dung không có trong dự thảo ban đầu. Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban KHCNMT cho rằng, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, khai thác thế mạnh của thủy điện, các cơ quan chức năng đã và đang rà soát quy hoạch đầu tư các dự án, đặc biệt là vừa và nhỏ; loại bớt khỏi quy hoạch các dự án đầu tư hiệu quả không cao, nhưng ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và xã hội.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Luật Điện lực sửa đổi đã bổ sung một điều khoản riêng quy định cụ thể về xử lý sự cố điện. Theo đó, trong trường hợp xảy ra sự cố điện nghiêm trọng đến mức thảm họa lớn, cần ban bố tình trạng khẩn cấp. Đây là quy định mới chưa có trong Luật Điện lực năm 2004.

Về giá điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Điện là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội nên theo quy định của Luật giá, Nhà nước điều tiết giá bán điện bằng việc quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ.

Các đơn vị bán lẻ điện có quyền cạnh tranh giá bán lẻ trong khung giá do Nhà nước quy định. Đồng thời, theo quy định tại dự thảo Luật, báo cáo tài chính đã được kiểm toán hằng năm của đơn vị điện lực là một trong những căn cứ để điều chỉnh giá điện.

Sau khi số liệu tài chính, chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được báo cáo và kiểm toán, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xác nhận giá thành và công bố công khai.

Giảng viên luật không được làm Luật sư

Theo Luật Luật sư sửa đổi (QH thông qua sáng qua), công chức, giảng viên luật… không được hành nghề Luật sư. Ủy ban TVQH giải trình: Việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư trong khi số giảng viên đại học chuyên ngành luật so với yêu cầu phát triển còn rất thiếu.

Ngoài ra, nếu cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật kiêm nhiệm hành nghề luật sư cũng chưa khắc phục được những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư những năm vừa qua.

Luật Xuất bản (sửa đổi) được QH thông qua sáng qua. Theo đó, chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.

Quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia

Cùng ngày, QH biểu quyết thông qua Luật Dự trữ quốc gia, Luật Hợp tác xã sửa đổi. Luật Dự trữ quốc gia quy định các mặt hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia (Điều 27) bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn;

Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Muối trắng; Nhiên liệu; Vật liệu nổ công nghiệp; Hạt giống cây trồng; Thuốc bảo vệ thực vật; Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản;

Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản; Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG