Băn khoăn nợ quốc gia

Băn khoăn nợ quốc gia
TP - Trong ngày làm việc của Quốc hội hôm qua, 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt lên bàn nghị sự vấn đề về nợ quốc gia.

Đại biểu Hồ Xuân Phương (Nghệ An): Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến vay nợ, trả nợ trong năm 2007 thì nợ Chính phủ đến ngày 31/12/2007 sẽ chiếm 37,5% GDP, mức này tuy chưa vượt ngưỡng an toàn như khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới là 40%, nhưng cũng đang tiệm cận mức báo động như nhiều đại biểu đã phát biểu.

Theo tôi ở đây có hai yếu tố cần quan tâm. Thứ nhất, những khoản vay của DNNN hay của chính quyền địa phương mà Chính phủ bảo lãnh, cần được tính vào mức nợ vay của Chính phủ.

Thứ hai, chúng ta tiến gần sát “ngưỡng an toàn” trong bối cảnh việc sử dụng vốn vay chưa hiệu quả. Theo báo cáo của các ngành thì vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân chậm, đến cuối tháng 9/2006 mới giải ngân được hơn 1/3.

Điển hình nhất là vốn ODA không hiệu quả của các dự án ở PMU18. Điều đó cảnh báo rằng: Nếu quản lý sử dụng vốn vay không hiệu quả thì có nguy cơ vượt ngưỡng 40% GDP, tức là vượt mức giới hạn cho phép không còn xa đối với nước ta.

Con cháu chúng ta sẽ trả nợ như thế nào?

Đó là câu hỏi mà Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu nêu ra.

Tôi rất lạc quan trước sự phát triển kinh tế cũng như các hoạt động đối ngoại của đất nước trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là vấn đề nợ nần trong nước, ngoài nước. Không biết rồi đây con cháu chúng ta sẽ trả nợ thế nào? Tài nguyên dầu khí không biết còn được bao nhiêu?

Các khoản nợ đều được trả kịp thời

Trước những băn khoăn của các đại biểu QH về vấn đề nợ nước ngoài, vào cuối phiên thảo luận về ngân sách diễn ra chiều qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã báo cáo với QH:

... Thu ngân sách hàng năm thường không theo kịp với nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, do vậy bội chi NSNN là cần thiết, trên nguyên tắc đảm bảo chỉ bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển, bù đắp thiếu hụt vốn đầu tư, không sử dụng cho chi thường xuyên, thực hiện bù đắp bội chi bằng các khoản vay ưu đãi ngoài nước và vay trong nước.

Năm 2007, vay bù đắp bội chi là 56.500 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển từ ngân sách là 89.400 tỷ đồng, như vậy vay chỉ bằng 63,2% chi đầu tư...

Cho đến thời điểm này, hầu hết các khoản nợ đến hạn kể cả trong nước và ngoài nước đều được trả kịp thời, không có khoản nợ xấu... Mức bội chi NSNN năm 2007 Chính phủ trình QH bằng 5% GDP, nếu tính theo chuẩn mực quốc tế phản ánh cả trái phiếu Chính phủ và bội chi NSNN, loại trừ chi trả nợ gốc thì mức bội chi bằng khoảng 3,7% GDP.

Với thực tiễn vay nợ, trả nợ và huy động trái phiếu Chính phủ tính đến 31/12/2007, dư nợ Chính phủ bằng 37,3% GDP, dư nợ quốc gia bằng 31,2% GDP, là nằm trong giới hạn an toàn tài chính cho phép.

Trong những năm qua Chính phủ đảm bảo thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ đến hạn, không để phát sinh nợ quá hạn không thanh toán.

Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ hơn

Trao đổi với Tiền phong về vấn đề nợ quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng nói:

Quan trọng nhất là sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả. Phải hình thành quỹ trả nợ hàng năm, đến hạn là phải trả, không để đến sát mức “báo động đỏ” rất nguy hiểm.

Qua vụ PMU18, cho thấy lâu nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức việc giám sát và sử dụng vốn vay ODA. Với cộng đồng quốc tế, mình sử dụng không hiệu quả thì người ta cũng sẽ “cắt”...

Để minh bạch hóa tạo điều kiện cho công tác giám sát, cần công khai hóa các khoản vay nợ, vay vốn ngân sách và vay về cho vay lại, trong đó cần đề cao vai trò thẩm định các dự án ODA của các cơ quan chức năng.

Hiện Chính phủ đang hoàn thiện cơ chế vay và trả nợ nước ngoài, tới đây QH cũng sẽ giám sát vấn đề này chặt chẽ hơn.

V.V.Thành ghi

MỚI - NÓNG