Báo cáo triển vọng CK 2009: Cái nhìn thận trọng

Báo cáo triển vọng CK 2009: Cái nhìn thận trọng
Chào đón năm 2009, một số tổ chức tài chính trong nước đã đồng loạt công bố các báo cáo phân tích triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK với cái nhìn thận trọng.

Những khó khăn của thị trường tiêu dùng lẫn thị trường vốn quốc tế được đánh giá sẽ tác động mạnh đến triển vọng của tăng trưởng vĩ mô cũng như của DN. TTCKVN do vậy cũng sẽ phải chật vật để chứng tỏ sự hấp dẫn nhằm kéo nguồn vốn trở lại.

Bài toán xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu (XK) vốn chiếm tới trên 60% tổng giá trị GDP nên kim ngạch đem lại đã trở thành nguồn thu chính cho quốc gia. Đối với các DN, đặc biệt là các DN niêm yết, hoạt động XK cũng là mảng kinh doanh quan trọng, thậm chí là chủ đạo đối với một số ngành nghề như caosu, thủy sản...

Theo Báo cáo "Việt Nam 2009: Gập ghềnh phía trước" của CTCK Sacombank (SBS), trong bức tranh kim ngạch XK đẹp năm 2008 có dấu ấn của biến động tăng giá. Tuy nhiên lợi thế này sẽ không còn trong năm 2009 do tính đến thời điểm này các mặt hàng tăng giá mạnh trong năm qua đã quay trở lại mặt bằng giá hoặc thấp hơn như dầu thô, caosu, than, càphê...

Với diễn biến giá này, nếu sản lượng XK 2009 bằng 2008 thì kim ngạch chắc chắn giảm. Đáng ngại là giá trị của nhóm mặt hàng chịu rủi ro về giá lại chiếm tới gần 30% tổng giá trị XK 2008.

Tác động thứ hai là sự thu hẹp của thị trường. Các báo cáo về sức tiêu dùng của một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU đều cho thấy những con số rất xấu và bản thân các ngành sản xuất hàng tiêu dùng tại các thị trường đó cũng bị ảnh hưởng. Điều đó cho thấy khả năng hấp thu hàng XK của các quốc gia khác, trong đó có VN chắc chắn sẽ giảm sút. Hiện 3 thị trường lớn này chiếm khoảng 50% kim ngạch XK 2008.

Tác động thứ ba là áp lực cạnh tranh ngày càng cao và là hệ quả tất yếu của việc thị trường bị thu hẹp. Những quốc gia XK khác cũng sẽ tìm mọi cách để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của mình. Triển vọng XK nói chung của VN 2009 sẽ phụ thuộc vào khả năng đa dạng hóa thị trường.

Những khó khăn của XK 2009 sẽ tác động lớn đến các DN niêm yết dựa nhiều vào hoạt động này, đặc biệt là các DN dựa quá nhiều vào các thị trường truyền thống.

Theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính, NĐT cần đặc biệt chú ý đến rủi ro này bằng cách phân tích thị trường tiêu thụ của DN cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phân tích của SBS cho rằng hai quý đầu 2009 sẽ là thời điểm DN XK khó khăn nhất khi sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh sau mùa mua sắm cuối năm.

Tỉ giá giảm  có hấp dẫn ngoại tệ?

Biến động tỉ giá 2008 đã đem lại bài học lớn cho các DN. Báo cáo tài chính của DN niêm yết đã cho thấy những diễn biến trái chiều: VND giảm giá giúp DN XK hưởng lợi và ngược lại, DN nhập khẩu gặp khó khăn. Diễn biến tỉ giá 2009 được dự báo sẽ theo hướng giảm giá VND nhằm hỗ trợ XK. Việc chủ động nâng tỉ giá VND so với USD và nới rộng biên độ của NHNN là biểu hiện rõ ràng nhất.

Theo báo cáo của CTCK Bản Việt (VCSC), một yếu tố nữa gây áp lực giảm giá VND là nguồn cung USD sụt giảm. Không chỉ khó khăn từ hoạt động XK, mức vốn giải ngân ODA, FDI và vốn gián tiếp năm 2009 sẽ không thể dồi dào như 2008.

Tính toán của VCSC cho thấy năm 2008 VND mới trượt giá khoảng 8,6% so với USD trong khi các nước khu vực phá giá trung bình 15%. Nếu tính cả yếu tố giảm giá USD trên thế giới do Mỹ triển khai các gói cứu trợ kinh tế thì khả năng giảm giá mạnh của VND là không cao.

Dự kiến tỉ giá 2009 sẽ dao động trong khoảng 17.500VND-18.375VND/USD. Theo ông Ken Tai Chee Ming, chuyên gia phân tích của CTCK KimEng, hiện các hợp đồng kỳ hạn không chuyển giao (NDF) của VND với USD đang ở mức 19.878 VND/USD cho thấy những lo ngại về tiềm năng XK của VN.

Một hệ quả dễ hiểu của việc giảm tỉ giá đối với hoạt động đầu tư là NĐTNN khi mang USD vào VN có thể đổi ra được nhiều VND hơn. Về mặt lý thuyết điều đó là có lợi. Tuy nhiên, xét từ góc độ đầu tư, triển vọng tăng trưởng mới mang ý nghĩa quyết định hơn là chỉ chênh lệch tỉ giá. Mặt khác, nếu VND tiếp tục bị giảm giá do những khó khăn về kinh tế thì NĐTNN lại bị thiệt khi chuyển đổi sang USD.

Theo phân tích của Cty Dragon Capital, xu hướng rõ ràng về sự mất giá đồng nội tệ sẽ gây xáo trộn mạnh trong việc dịch chuyển vốn. Mặt khác, khó khăn tài chính toàn cầu chắc chắn làm giảm khối lượng vốn chảy vào các nước đang phát triển.

Tuy nhiên nỗi lo sợ về khả năng rút vốn ồ ạt cũng rất thấp vì NĐTNN hiện chỉ còn nắm giữ khoảng 3 tỉ USD CP và 500 triệu USD trái phiếu. Con số này đến nay có thể thay đổi chút ít do hoạt động bán ròng trái phiếu của khối này vẫn đang diễn ra.

Cùng quan điểm này, SBS cho rằng dòng vốn FII vào của 2009 sẽ giảm mạnh, nhưng áp lực bán của NĐTNN cũng đã giảm. Những tổ chức chịu áp lực bán cũng đã hoàn thành việc bán trong 4-5 tháng qua và ngày càng ít đi. SBS kỳ vọng TTCKVN sẽ khởi sắc từ nửa cuối 2009 khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Tiến trình IPO hợp lý sẽ là động lực thu hút vốn FII quay lại.

Kinh tế khó khăn: Phân bổ vốn vào ngành nào?

Phân tích của VCCS, trong bối cảnh khó khăn, NĐT nên tập trung vào những CP có tính chất phòng thủ và ít bị ảnh hưởng theo chu kỳ kinh doanh.

4 lĩnh vực được khuyến cáo tăng tỉ trọng đầu tư là dược phẩm (tốc độ tăng trưởng ngành kỳ vọng 10% năm 2009); thực phẩm và hàng tiêu dùng (chú ý DN có thị trường nội địa); công nghệ và viễn thông; điện (đầu ra ổn định và đang trong lộ trình tăng giá). Hai lĩnh vực được khuyến cáo giảm tỉ trọng là bất động sản và ngân hàng.

Theo Nam Nguyễn
Lao Động

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.