Báo động cạnh tranh không lành mạnh

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng cho mỗi doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Cạnh tranh tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp phải thúc đẩy tìm mọi biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao và cạnh tranh hơn để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng, cũng từ đó, dễ dàng lựa chọn các sản phẩm phù hợp với túi tiền và sở thích của mình. Bên cạnh mặt tích cực, cạnh tranh cũng có thể mang lại những hậu quả tiêu cực to lớn, nếu các doanh nghiệp áp dụng những phương thức cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp đối thủ nhằm chiếm thị phần trên thị trường.

Theo quy định của Luật cạnh tranh 2004, một hành vi được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi đáp ứng các điều kiện sau: Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi phải là doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường, doanh nghiệp theo quy định của luật cạnh tranh được hiểu với nghĩa rộng hơn so với luật doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác được phép kinh doanh như hộ kinh doanh, hợp tác tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;

Thứ hai, hành vi này đi ngược lại các chuẩn mực thông thường của đạo đức kinh doanh; Thứ ba, hậu quả của hành vi là gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thậm chí là Nhà nước. Cụ thể hóa cho định nghĩa này, Luật cạnh tranh đã liệt kê 9 loại hành vi được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó phân tích các yếu tố của từng loại hành vi.

Trong 9 loại hành vi được quy định, Gièm pha doanh nghiệp và Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là 2 trong 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường được các doanh nghiệp “không lành mạnh” sử dụng nhằm hạ gục doanh nghiệp đối thủ trên thương trường.

Theo đó, Gièm pha doanh nghiệp là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó, còn Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Các dạng thức biểu hiện của hai loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh này được thể hiện dưới nhiều hình thức và biến dạng phức tạp, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ cao phát triển như hiện nay.

Chẳng hạn, gần đây lợi dụng sự lan truyền trên mạng xã hội về sự việc Công ty Tân Hiệp Phát bị khách hàng khiếu nại về chất lượng hàng hóa, đã xuất hiện những thông tin không đúng hoặc đã bị cắt xén và gọt giũa có chủ ý, thậm chí là “vạch trần” sơ suất nhỏ của công ty này ngay vừa khi doanh nghiệp này có những nỗ lực để giải quyết khủng hoảng.

Xa hơn nữa, vụ việc hãng sữa M. năm 2009 đã từng bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng trên một diễn đàn để nói xấu. Thủ đoạn của họ là giả dạng phụ nữ mang bầu hoặc có con nhỏ đưa lên diễn đàn hàng trăm lời bình luận để tung tin rằng chất lượng sản phẩm sữa của hãng có vấn đề. Suốt thời gian dài sau đó, sản phẩm của hãng này bị mất uy tín và giảm thị phần rõ rệt nhưng họ chẳng biết kêu cứu tới ai khi mà mọi hoạt động chống phá đều thông qua những cái nickname cụ thể nhưng lại mơ hồ để xác định được ai là ai giữa thế giới ảo và thế giới thực.

Trong khi đó, hậu quả của hành vi gièm pha doanh nghiệp là rất rõ ràng, doanh nghiệp thiệt hại tài chính, sản xuất tụt dốc không phanh, thị phần suy giảm, bi đát hơn nữa là có thể đi đến tình trạng phá sản hoặc bị thâu tóm, mua lại, còn người tiêu dùng sau những phản ứng “tẩy chay” rầm rộ tưởng chừng là thực hiện quyền của mình, thì chẳng được gì ngoài lòng tin vào sản phẩm, vào doanh nghiệp ngày càng bị tổn thương và nghi ngại với tất cả các loại sản phẩm trên thị trường, không phân biệt được đâu là thật - đâu là giả.

Gây hậu quả nặng nề cũng không kém, Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác cũng mang lại những hậu quả là làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp chân chính bị đình trệ, hủy hoại. Đơn cử là vụ việc giữa 2 hãng Taxi M và H. Để giành khách với M, hãng Taxi H sử dụng thiết bị thu phát sóng cùng tần số để làm nhiễu tín hiệu liên lạc của tổng đài M trong giờ cao điểm. Việc sử dụng kỹ thuật này làm cho các nhân viên điều hành không thể liên lạc được với nhân viên lái xe, làm cho các giao dịch của M bị gián đoạn dẫn đến thiệt hại hơn 20 triệu đồng/ngày.

Xét về mức độ và phạm vi ảnh hưởng, hành vi gièm pha doanh nghiệp đem lại những hậu quả tiêu cực và lan rộng hơn rất nhiều so với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bởi các thông tin mà doanh nghiệp đưa ra nhằm mục đích “gièm pha doanh nghiệp đối thủ” thường là những thông tin đã bị cắt xén và tỉa gọt có chủ đích, không còn đúng bản chất sự thật ban đầu, do đó, một khi những thông tin đã được “mài giũa” này bị phát tán trong môi trường công nghệ cao như hiện nay, thì chỉ cần 1 giây sau khi bấm nút “gửi”, thiệt hại doanh nghiệp đã có thể bắt đầu được tính toán và đương nhiên, thiệt hại này không còn là những con số mà nguy hiểm hơn là những “thanh danh” của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng bỗng chốc vỡ vụn.

Có thể nói, hiện nay cạnh tranh không lành mạnh đang ngày càng xuất hiện nhiều và càng khó kiểm soát hơn, không chỉ bởi những hành vi biến dạng và “ném đá giấu tay” của những thủ phạm ẩn danh, mà bên cạnh đó là sự hỗ trợ “vô tình” hay “cố ý” của những kênh truyền thông, báo chí và các trang mạng xã hội được kết nối bằng những thiết bị hiện đại. Và do vậy, nên có lẽ, các quy định của pháp luật cạnh tranh cho dù đã xuất hiện hơn 10 năm nhưng vẫn đóng một vai trò mơ hồ và mang tính hình thức khi từng câu chữ, điều luật dường như bất lực trước những hành vi thực tế đã, đang và sẽ diễn ra.

Trước xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường, môi trường cạnh tranh lành mạnh đương nhiên luôn và luôn là công cụ hữu hiệu, khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh một cách bình đẳng về chất lượng hàng hóa để “lấy lòng” những người tiêu dùng khó tính nhất. Cạnh tranh để tồn tại và phát triển!!!

Thế nhưng, một khi các phương thức cạnh tranh lành mạnh bị biến tướng bằng các “chiêu trò không lành mạnh”, thì nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chân chính, mà sâu xa hơn, còn làm cho người tiêu dùng mất đi quyền cơ bản nhất là quyền lựa chọn và sử dụng các sản phẩm có chất lượng với giá thành phù hợp.

Thạc sĩ Luật Nguyễn Thị Tuyết Nga 
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. HCM
MỚI - NÓNG