Bảo hiểm tàu cá, ai đang trục lợi? - Kỳ 1: Lắt léo hợp đồng bảo hiểm

Ông Hải cùng mẹ và vợ thất vọng khi nói về Bảo Việt Quảng Bình.
Ông Hải cùng mẹ và vợ thất vọng khi nói về Bảo Việt Quảng Bình.
TP - Lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nghề biển, cộng với sự chân chất, thật thà, học vấn chưa cao của đa số ngư dân, các công ty bảo hiểm đang “lãi khủng” từ bảo hiểm tàu cá, trong lúc ngư dân thì lại trắng tay nếu gặp rủi ro, tai nạn.

Mất con, mất tàu, bảo hiểm quay lưng

Khoảng 8 giờ sáng 15/2/2016, tàu cá QB 92617 - TS, công suất 497 CV của ông Nguyễn Ngọc Hải, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, bị sóng đánh chìm trên Vịnh Bắc bộ, 3/7 thuyền viên bị mất tích, trong đó có con trai của ông Hải. Trở về được đất liền nhờ cứu hộ kịp thời, mặc dù không mang được xác đứa con trai về cùng, nhưng gia đình ông Hải và làng xóm vẫn tổ chức ma chay theo truyền thống của địa phương.

Trong lúc tang gia bối rối, người của Công ty Bảo Việt Quảng Bình xuất hiện, lấy lí do thắp hương an ủi gia đình, đồng thời thông báo tàu cá ông Hải không được chi trả bảo hiểm vì chưa đóng đủ phí. Tuy nhiên, tàu ông Hải sẽ được hỗ trợ nhân đạo với điều kiện, ông Hải phải viết giấy xác nhận là do khó khăn, chưa đóng đủ phí bảo hiểm và xin được hỗ trợ nhân đạo. 

“Khi đó xót con, xót của tui có biết đúng sai chi mô, nghe họ nói răng thì mần rứa. Tui nhờ một người bà con biết chữ viết theo chỉ dẫn của họ, ai ngờ đây là cái bẫy để họ không đền bù bảo hiểm cho tui, tiền hỗ trợ nhân đạo cũng không thấy” - ông Hải nói.

Sau một thời gian bình tâm trở lại, nghe nhiều lời khuyên, cần phải có được hồ sơ bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm để nghiên cứu lí do vì sao tàu cá của ông không được thanh toán bảo hiểm, ông Hải mới hay là mình không hề có hợp đồng, hay hồ sơ liên quan. Sau hơn cả tháng trời, không dưới chục lần vào ra Chi nhánh Bố Trạch của Bảo Việt Quảng Bình, nơi ông Hải mua bảo hiểm tàu cá, nhưng ông vẫn không nhận được hồ sơ bảo hiểm của mình, với lí do khi thì lãnh đạo đi họp, khi thì cán bộ giữ hồ sơ không có mặt… Chỉ đến khi PV Tiền Phong đi cùng, ông Hải mới nhận được hồ sơ bảo hiểm của mình.

Chia nhiều kỳ đóng phí để “bẫy”?

Theo Hợp đồng Bảo hiểm tàu cá số 18, có hiệu lực từ ngày 6/5/2015 - 6/5/2016, giữa Công ty Bảo Việt Quảng Bình với ông Nguyễn Ngọc Hải, ông Hải phải đóng 70 triệu đồng để được bảo hiểm thân tàu có giá trị 2 tỷ đồng. Phí bảo hiểm được chia ra 3 kỳ: Kỳ 1, thanh toán 25% phí bảo hiểm ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực; kỳ 2, thanh toán 25% phí bảo hiểm sau 3 tháng hợp đồng có hiệu lực; kỳ 3, thanh toán 50% phí bảo hiểm còn lại sau 6 tháng hợp đồng có hiệu lực. Ngoài ra, ông Hải phải bỏ ra 3.150.000 đồng để mua bảo hiểm cho 7 thuyền viên trên tàu của mình.

Theo ông Hải, trong số 70 triệu mua bảo hiểm, ông được Nhà nước hỗ trợ 50%, còn lại 50% ông phải đóng. Ngay khi ký hợp đồng bảo hiểm, ông Hải đã nộp ứng trước 25% (17.500.000) bảo hiểm thân tàu và 3.150.000 bảo hiểm thuyền viên. Sau một thời gian, ông Hải nhận lại số tiền 17.500.000 đồng, khi phía Bảo Việt nhận được số tiền hỗ trợ 50% (35 triệu đồng, chia cho 2 kỳ) của Nhà nước. “Họ nói đã đủ 2 kỳ, số tiền kỳ 3 sẽ nộp sau, khi nào đến kỳ hạn thì họ sẽ thông báo về, nhưng họ đã không thông báo cho tôi biết. Họ đã lấy cớ tôi không nộp kỳ 3 để không đền bù bảo hiểm cho tôi” - ông Hải nói.

Theo hồ sơ bảo hiểm mà ông Hải lấy từ Bảo Việt Quảng Bình, thông báo nộp phí kỳ 3 của ông được đề ngày 5/11/2015, tuy nhiên địa chỉ nhận thông báo lại là Hội Nông dân xã Đức Trạch, trong lúc ông Hải ở xã Thanh Trạch. Và chỉ sau 2 ngày gửi thông báo, ngày 7/11/2015, Bảo Việt Quảng Bình ra thông báo chấm dứt hiệu lực bảo hiểm tàu cá đối với ông Hải. Cả hai thông báo nói trên, ông Hải đều không nhận được và đinh ninh tàu cá của ông đang được bảo hiểm.

“Họ chia ra 3 kỳ là để bẫy ngư dân chúng tôi. Chúng tôi không hề có hồ sơ bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm nên không thể biết các điều khoản quy định ở trong đó, cũng như thời hạn nộp phí bảo hiểm”. 

Ông Nguyễn Ngọc Hải

Ông Hải cay đắng nói: “Họ chia ra 3 kỳ là để bẫy ngư dân chúng tôi. Chúng tôi không hề có hồ sơ bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm nên không thể biết các điều khoản quy định ở trong đó, cũng như thời hạn nộp phí bảo hiểm. Trong lúc đó, họ lại gửi thông báo nộp phí đi một địa chỉ khác thì tôi làm sao biết. Chừ tui mới biết, họ chỉ nhăm nhăm lấy được tiền của Nhà nước, còn tiền ngư dân họ không cần lấy, vì những tháng cuối thường sóng to gió lớn, dễ xảy ra tai nạn, nếu lấy đủ thì họ phải đền bảo hiểm”.

   

Luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương (TP Đồng Hới), người đang bảo vệ quyền lợi cho ông Hải cho rằng: Thông báo đến kỳ nộp bảo hiểm gửi đi trước thông báo chấm dứt hiệu lực bảo hiểm 2 ngày là quá gấp rút. Chỉ tính sơ sơ, công văn từ bảo hiểm về đến hội nông dân xã mất 1 ngày, từ hội nông dân xã về gia đình mất 1 ngày nữa là thành 2 ngày, chưa nói đến có khi các thành viên hội nông dân đi vắng không chuyển kịp. Với lại ngư dân suốt tháng lênh đênh trên biển, nếu thông báo có về trong cùng 1 ngày, vợ con họ ở nhà biết gì mà xử lí, họ phải đợi chồng về. Bên cạnh đó, trong lúc tang gia bối rối, tinh thần hoảng loạn vì mất con, mất tàu mà phía bảo hiểm lại yêu cầu ông Hải viết giấy xác nhận không có tiền đóng phí bảo hiểm kỳ 3 là không hợp lí, hợp tình.

“Tôi chưa bàn đến tính chất pháp lí của vụ việc, khi ra tòa tôi sẽ phân tích kỹ về vấn đề này. Ở đây tôi chỉ nói phía bảo hiểm làm như thế là thiếu tình người, có gì đó không minh bạch” – Luật sư Lê Minh Tâm nói.

Ông Hoàng Minh Cành, Giám đốc Bảo Việt Quảng Bình cho rằng, do không đóng bảo hiểm kỳ 3 nên tàu ông Hải không được thanh toán bảo hiểm là đúng quy tắc bảo hiểm. Còn về hỗ trợ nhân đạo, Bảo Việt Quảng Bình có đề xuất nhưng Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt không chấp thuận. Việc gửi nhầm địa chỉ thông báo đến kỳ hạn đối với ông Hải có thể có sơ suất, ông sẽ cho kiểm tra lại. Còn việc không gửi hợp đồng bảo hiểm tàu cá cho ngư dân không phải chủ trương của công ty.  

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG