Bảo hiểm thất nghiệp: ‘Phao cứu sinh’ cho người lao động trong dịch COVID-19

Người lao động làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Người lao động làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Dịch bệnh COVID-19 đã khiến hàng triệu người lao động (NLĐ) đối mặt nguy cơ mất việc làm. Trong bối cảnh đó, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là "phao cứu sinh", giúp NLĐ ổn định phần nào cuộc sống đợi tìm việc làm mới khi dịch bệnh qua đi.

Hy vọng từ trợ cấp thất nghiệp

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) khi chị đang đợi nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chị cho biết: Chị làm cho một khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, có ký hợp đồng và đóng BHXH hơn 5 năm nay. Do dịch COVID-19, từ khi dịch bùng phát, khách sạn đóng cửa, chị và một số người phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động.

“Chủ khách sạn bảo mình tạm chấm dứt hợp đồng để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, hy vọng giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho gia đình, vì chưa biết khi nào khách sạn mới có thể hoạt động trở lại. Mình cũng không có ý định rút BHXH một lần, vì muốn bảo lưu thời gian đóng sau này đủ điều kiện hưởng lương hưu cho lúc về già, không phải nhờ cậy con cháu”, chị Hồng kể. 

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, NLĐ bị ảnh hưởng tới việc làm nhiều nhất là trong ngành vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn… Trong Quý I/2020, dù NLĐ đăng ký hưởng BHTN có tăng, nhưng chưa nhiều, chưa gây áp lực lên việc giải quyết chế độ cho NLĐ, vì nhiều người còn ở trạng thái nghỉ việc tàm thời.

“Chúng tôi dự đoán, vào giữa và cuối Quý II/2020, số lượng NLĐ thất nghiệp sẽ tăng mạnh và kéo theo việc hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng. Chúng tôi đã và đang xây dựng phương án để cố gắng hỗ trợ NLĐ tối đa, sớm nhận được trợ cấp khi đủ điều kiện để vượt qua được khó khăn trước mắt”, ông Thảo nói.

Theo BHXH Việt Nam, trong Quý I/2020, cơ quan này phối hợp cùng ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 378.178 người, với số tiền đã chi hơn 2.119 tỷ đồng. Cùng đó, Quỹ BHTN cũng chi hỗ trợ học nghề cho hơn 8.160 người (tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm trước), với số tiền chi hơn 18 tỷ đồng. 

Cơ quan BHXH đánh giá, những con số trên đã thể hiện vai trò quan trọng của chính sách BHTN với NLĐ trong lúc khó khăn. Trợ cấp thất nghiệp không chỉ hỗ trợ cuộc sống của bản thân NLĐ, còn là hỗ trợ gia đình họ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Doanh nghiệp cũng được lợi

Theo quy định Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ tham gia BHTN sẽ được hưởng các chế độ gồm: Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BHTN, tối 12 tháng. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng.

Ngoài chế độ cho NLĐ, đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh nếu buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh cũng được Quỹ BHTN hỗ hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho NLĐ, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng.

Theo BHXH Việt Nam, các trường hợp NLĐ bị thất nghiệp đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng phải đi cách ly y tế, hoặc bị nhiễm COVID-19 không thể đến nhận tiền trợ cấp theo thời hạn quy định sẽ được tạo điều kiện để nhận sau. BHXH Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền trợ cấp thất nghiệp bằng thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm COVID-19, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Theo Bộ KH&ĐT, tới hết tháng 3/2020, khoảng 19% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Trong đó, lĩnh vực du lịch và dịch vụ có tới 98% lao động đã nghỉ việc; ngành vận tải, giày da, dệt may có 78%; lĩnh vực hàng không có 98% phải tạm nghỉ việc. Cơ quan này tính toán, nếu dịch bệnh còn phức tạp trong tháng 4, 5 ước sẽ có khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh, con số trên sẽ lên tới 3,5 triệu người.


MỚI - NÓNG