Báo Mỹ: Việt Nam ngày càng hấp dẫn đầu tư nước ngoài

Báo Mỹ: Việt Nam ngày càng hấp dẫn đầu tư nước ngoài
Tạp chí "Business Week" vừa có bài đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam qua con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, khẳng định Việt Nam ngày càng hấp dẫn họ.

Tác giả bài viết, nhà báo Frederik Balfour, dẫn nhận xét của các nhà đầu tư nước ngoài cho biết môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện hơn rất nhiều so với hồi giữa những năm 90.

Chính phủ đã dẹp bỏ những trở ngại đối với khu vực tư nhân, điều chỉnh nhiều quy định và đang đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa. Nền kinh tế Việt Nam trong 4 năm qua đều đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 7% và thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 540 USD, gấp đôi so với 10 năm trước.

Năm ngoái, Chính phủ đã cấp phép cho các Cty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 4,2 tỷ USD, ngang với Trung Quốc (nếu tính theo tỷ lệ phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội).

Để minh chứng cho nhận định trên, nhà báo Frederik Balfour đã đưa ra một loạt ví dụ về những dự án đầu tư mới đang đổ vào Việt Nam. Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn xuất bản và nghiên cứu thị trường công nghệ quốc tế IDG có trụ sở chính tại Boston (Mỹ) đã khai trương Cty IDG Ventures Vietnam với số vốn 100 triệu USD và công bố 2 khoản đầu tư ban đầu vào các Cty phần mềm ở Việt Nam.

Quỹ Phát triển Việt Nam đã tăng vốn đầu tư thêm 60 triệu USD, trở thành nhà đầu tư tư nhân lớn nhất ở Việt Nam, với số vốn 200 triệu USD. Quỹ cơ hội Việt Nam (VOF), được niêm yết tại thị trường chứng khoán Luân Đôn, đang có kế hoạch đầu tư thêm 45 triệu USD vào Việt Nam. Don Lam - Giám đốc công ty điều hành quỹ VOF - nhận xét "Giờ là thời điểm thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư".

Bài báo cho biết hầu hết các khoản đầu tư tại Việt Nam hiện nay là vốn tư nhân và chính phủ đang hướng tới việc tạo lập thị trường vốn rộng lớn hơn. Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM khi ra đời chỉ có 28 Cty nhỏ tham gia với tổng số vốn khoảng 270 triệu USD, nhưng sắp tới sẽ có nhiều Cty lớn tham gia.

Theo dự đoán, chỉ riêng việc 3 Cty lớn là Cty sữa Vinamilk, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (Sacombank) và Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB) niêm yết cũng có thể làm tăng gấp 4 lần lượng vốn giao dịch.

Trong 2 năm tới, Chính phủ dự kiến bán đấu giá cổ phần Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và mạng điện thoại di động lớn thứ hai của Việt Nam là Vinaphone.

Các quỹ tư nhân hiện cũng đang hoạt động khá hiệu quả dưới hình thức cổ phiếu, thị trường với số vốn ước đạt khoảng 2 tỷ USD.

MỚI - NÓNG