Báo Thái Lan nhận định tiềm năng hàng không Việt Nam

Hãng hàng không Vietnamairline của Việt Nam
Hãng hàng không Vietnamairline của Việt Nam
TPO-Tuổi trẻ, thu nhập cao và ham thích du lịch là cơ hội để phát triển các hãng hàng không tạo giá rẻ ở Việt Nam trong tương lai gần, tờ Bangkokpost của Thái Lan nhận định.

Chu Quỳnh May, nhân viên của một công ty nước ngoài ở Hà nội chia sẻ: "Tôi thích dùng dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ không chỉ bởi giá cả hợp lý mà dịch vụ của họ cũng tốt". Chị May hay nhiều thanh niên trẻ Việt Nam khác đều vẫn thường tìm kiếm khuyến mãi trên website của các hãng hàng không nội địa hoặc nước ngoài như AirAsia, Tiger Airways hay Cebu.

Họ nói rằng chất lượng phục vụ chưa thực sự cao nhưng việc đặt vé lại rất dễ thực hiện(80% bằng hình thức trực tuyến), dịch vụ trước và trong chuyến bay cũng chấp nhận được cho các chuyến bay ngắn trong khu vực Đông Nam Á.

Dân số Việt Nam ước tính vượt quá 90 triệu người trong năm nay nhưng chỉ có 10% dân số đã từng đi máy bay, các hãng hàng không giá rẻ nhìn nhận đây là cơ hội cho mình vì rất ít người có khả năng thanh toán các mọi khoản dịch vụ của các hãng hàng không thông thường.

Trong năm 2011, 23.6 triệu hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có 16.6 triệu lượt người sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không Việt Nam. Ngành công nghiệp hàng không Việt Nam tăng gần 14%, một con số ấn tượng nếu xét đến thời kì kinh tế khó khăn.

Hiệp hội Hàng không Quốc tế cũng dự đoán rằng thị trường hàng không của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh thứ ba thế giới trước năm 2014 (sau Trung Quốc và Ấn Độ) dựa vào số hành khách và hàng hóa vận chuyển quốc tế.

Các hãng hàng không Việt Nam dự kiến hàng năm sẽ thu hút 34-36 triệu lượt hành khách và 850,000-930,000 tấn hàng hóa trước năm 2015.

Luật Hàng Không Dân Dụng Việt Nam năm 2007 cho phép các cá nhân, công ty tư nhân mở các hãng hàng không tư nhân nhưng thực tế việc điều hành các công ty này không phải dễ dàng.

Một số hãng hàng không tư nhân được mở từ năm 2007 như Indochina Airlines, VietJet Air, Air Mekong và Trai Thien Air Cargo, tuy nhiên các vấn đề về vốn và khoản nợ tài chính đã buộc các hãng Indochina Airlines và Trai Thien Air Cargo phải đóng cửa, còn VietJet Air và Air Mekong đến năm 2011 mới có chuyến bay đầu tiên.

Hiện tại, có năm hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air, Air Mekong, và Vietnam Air Service (Vasco) là đang khai thác thị trường trong nước, trong đó chỉ có Jetstar Pacific và VietJet Air là hai hãng hàng không giá rẻ.

Tuy nhiên đầu năm nay Jetstar Pacific, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, đã phải sáp nhập vào Vietnam Airlines do thua lỗ triền miên. Điều này làm cho thị trường nội địa bị giảm tính cạnh tranh.

Jetstar ước tính thua lỗ khoảng 10 triệu đô la mặc dù hãng hàng không Qantas của Úc góp vốn 27%.

Do vậy, vào tháng 2 năm 2012, chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển 70% cổ phẩn của JetStar cho Vietnam Airlines.

Hiện tại Vietnam Airlines, với khả năng tài chính khổng lồ chiếm tới 97% thị phần, gồm cả dịch vụ giá rẻ lẫn cao cấp đã tạo sức ép cạnh tranh to lớn lên các hãng hàng không khác.

Để có chỗ đứng trong ngành công nghiệp này, các nhà đầu tư cần có khả năng tài chính và nguồn nhân lực vững mạnh để đảm bảo khai thác có hiệu quả cũng như có nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng không.

"Hàng không là một lĩnh vực chuyên biệt, yêu cầu sự chuẩn bị kĩ càng và sự đầu tư dài hạn. Ở thời gian đầu, VietJet Air đã không xác định mục tiêu về lợi nhuận mà đặt mục tiêu chính là cân bằng về doanh thu và chi phí để đảm bảo phát triển bền vững", chủ tịch hội đồng quản trị của VietJet Air, Pritam Singh, phát biểu.

Hiện tại, VietJet Air có 3 máy bay Airbus A320 và dự định có 20 chiếc trước năm 2015. Các chuyến bay của hãng kết nối 4 thành phố lớn nhất của Việt nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang và dự định mở rộng sang các thành phố khác. Năm 2012 hãng dự định thực hiện 5000 chuyến bay với tổng khoảng 700,000 đến 800,000 hành khách.

Đây sẽ là hãng hàng không tư nhân vốn Việt Nam đầu tiên mở đường bay quốc tế tới Băng Cốc, bắt đầu vào tháng 12, sau đó là tới Singapore, Đài Loan và các nước Nam Á khác .

Tuy nhiên, việc canh tranh rất khốc liệt do các hãng hàng không giá rẻ nước ngoài cũng đang cung cấp 10-12 chuyến bay trực tiếp từ Việt Nam tới các nước Đông Nam Á khác.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, CEO của Vector Aviation Co Ltd tại Việt Nam, các hãng hàng không giá rẻ có thể khai thác các đường bay từ Việt Nam tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật bản vì hành khách từ các quốc gia này tăng cao trong những năm gần đây.

 Theo Tổng cục thống kê quốc gia, trong chín tháng đầu năm nay Việt Nam đã đón nhận 4.85 triệu khách du lịch nước ngòai, tăng 13% so với năm ngoái, và hầu hết khách hàng đến từ tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Việc gia tăng lượng khách tới Việt Nam đã thúc đẩy các công ty đầu tư vào Việt Nam. Năm 2010, VietJet Air xem xét bán 30% cổ phần cho AirAsia nhưng kế hoạch này không thực hiện được do Vietnam Airlines phản đối.

Hiện tại, Vietnam Airlines quản lý 74 máy bay, có 30 đường bay tới 20 địa điểm nội địa. Jetstar Pacific Airlines quản lý 6 Airbus A320 và Boeing B737, có 8 đường bay tới 6 địa điểm trong nước và quốc tế.

Hiện tại chỉ có 5 công ty hàng không trong một thị trường 90 triệu dân, một con số không quá nhiều, tuy nhiên các hãng nội địa sẽ phải đối mặt với sự cạnh trạnh khốc liệt khi Việt Nam mở cửa thị trường hàng không cho các nước Đông Nam Á vào năm 2015.

Phan Yến
Theo Bangkokpost

Theo Dịch
MỚI - NÓNG