Bất cập chồng chất trong xuất khẩu gạo

Doanh nghiệp kinh doanh gạo gặp khó khăn khi xuất khẩu ra thế giớiẢnh: CK
Doanh nghiệp kinh doanh gạo gặp khó khăn khi xuất khẩu ra thế giớiẢnh: CK
TP - Từ chuyện mở tờ khai hải quan có vấn đề, chuyện dừng xuất khẩu (XK), phân bổ hạn ngạch hay cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng… đều được các doanh nghiệp (DN) ghi nhớ, phản ánh. Đó cũng là những “gian truân” trong tiến trình đưa hạt gạo Việt vươn ra biển lớn.  

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phản ánh việc mở tờ khai hải quan XK gạo, Công ty TNHH Angrimex - Kitoku (An Giang) nêu: “Chúng tôi rất mong muốn nhận được thông tin hướng dẫn công khai, minh bạch và chính xác với các tiêu chí được XK. Hạn ngạch XK gạo nên được phân bổ rõ ràng cho các DN từ sự xem xét công tâm nhất, tạo công bằng và ổn định cho DN XK gạo”.

Một số thương nhân phản ánh đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), việc phân bổ hạn ngạch thông qua hình thức đăng ký hải quan trừ lùi như hiện nay chưa gắn liền với nghĩa vụ thu mua lúa gạo trong dân của một số thương nhân, cũng như quy mô, năng lực giao dịch hiệu quả thực tế của các thương nhân. Các DN cũng đã ghi nhận dấu hiệu cạnh tranh chưa lành mạnh trong giao dịch thương mại như: Khó khăn trong thuê bãi chứa container, thuê tàu vì đây là một trong các điều kiện để thông quan và đặc biệt là một số thương nhân chào bán giá thấp để lấy hợp đồng đăng ký hạn ngạch.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng, việc không được XK sẽ khiến DN bị thiệt hại rất lớn. Nếu ngưng XK thì giá

lúa ở ĐBSCL sẽ giảm liền. Mà ngay các DN đã đóng gạo vào container, đưa hàng lên cảng để thực hiện các hợp đồng thì sẽ thiệt hại nhiều tỷ đồng. Việt Nam hoàn toàn không mất an ninh lương thực, cái gì thiếu chứ gạo không thiếu”, ông Bình khẳng định và cho rằng, hiện nay là thời điểm bán gạo với giá cao, đồng nghĩa DN sẽ mua lúa của nông dân với giá tốt.

Thông tin với PV Tiền Phong chiều 16/4, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) cho biết vừa có đơn “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. Cty chuyên thu mua, chế biến lúa nếp phục vụ XK gạo nếp vào thị trường Trung Quốc với tổng sản lượng trung bình 220.000 tấn/năm, đang bao tiêu sản phẩm lúa nếp và tấm nếp cho nông dân hai tỉnh Long An và An Giang trên diện tích khoảng 50.000 ha. Hiện Cty đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) và lưu từ ngày 20/3 nhưng chưa kịp XK. “Nguy cơ thua lỗ và đứng trước bờ vực phá sản là không thể tránh khỏi…” ông Hòa nói.

Mỗi ngày mất 50 tỷ đồng vì gạo chờ tại cảng

Chiều 16/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tiếp tục có đơn lần thứ 3 gửi Thủ tướng Chính phủ. Dẫn căn cứ vào các văn bản và trả lời báo chí của các cơ quan chức năng, ông Bình cho biết: Khoảng 300.000 tấn gạo nằm ở cảng lại tiếp tục chờ, và ngành lúa, gạo Việt Nam tiếp tục mất đi mỗi ngày khoảng 50 tỷ đồng (trước đó, từ ngày 24/3/2020 đến ngày 11/4/2020 đã bị thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng); chưa kể nguy cơ chậm xuất, chất lượng gạo xuống cấp sẽ bị đối tác nước ngoài khiếu kiện sau này...).

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ đề xuất Chính phủ nên thành lập một ban cụ thể do cấp trung ương quản lý, đồng thời mời các địa phương đến dự và giải quyết cụ thể cho từng DN, xét duyệt cho DN nào được XK trước, DN nào XK sau... làm sao đơn giản nhất.

MỚI - NÓNG