Bất ổn thị trường đường, lại lo sốt giá

Bất ổn thị trường đường, lại lo sốt giá
Sau khi giá đường tăng kỷ lục vào đầu năm, rồi lại tăng mạnh ở cuối quý 1, thì từ tháng 6 - 2010 tới nay giá đường thế giới tăng cao ngất ngưởng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị cho nhập khẩu ngay 150.000 tấn đường.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua tại Sở Giao dịch London, giá đường giao ngay đã trên 750 USD/tấn, giá đường kỳ hạn giao tháng 10 ở mức 580 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng đường sản xuất trong nước niên vụ 2009-2010 chỉ đạt 904 nghìn tấn, giảm 5.000 tấn so với niên vụ trước. Đến ngày 15/6/2010, lượng đường tồn kho của các nhà máy là 240 nghìn tấn, cao hơn 55.400 tấn so với cùng kỳ năm trước. Từ 15/6 đến 15/7, lượng đường bán ra khoảng 60 nghìn tấn, như vậy lượng đường tồn kho đến thời điểm này chỉ còn 180 nghìn tấn, vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu tháng 7 đến nay, đường mỗi ngày tăng một giá. Nếu như suốt quý 2/2010, giá đường tinh luyện bán lẻ trên thị trường phổ biến chỉ ở mức 16.000 -17.000 đồng/kg, thì hiện tại giá bán lẻ tại các chợ: đường vàng rời là 19.000 đồng/kg, đường tinh luyện từ 21.000-24.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với nửa tháng trước.

Các tiểu thương đều cho rằng giá đường trên thị trường tăng tốc là do nhu cầu tiêu thụ cao dịp Tết Trung thu và ngành mía đường thế giới mất mùa. Không giá bán lẻ, mà ở các đại lý bán sỉ giá đường cát vàng rời cũng hơn 17.000 đồng/kg; giá đường tinh luyện hiện phổ biến ở mức 19.000 đồng/kg.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho rằng, nếu không cho nhập khẩu đường ngay thì sẽ muộn mất. Cả thế giới lại đang nháo nhác vì lo thiếu hụt nguồn cung đường, lượng đường bỗng khan hiếm. Sản lượng đường niên vụ vừa rồi trên thế giới hao hụt gần 5 triệu tấn nên không chỉ Việt Nam mà ở các nước tiêu thụ nhiều đường như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ... cũng tìm cách nhập khẩu thêm đường vào dự trữ. Tất cả khiến giá đường cứ leo dần lên, có thể sẽ vượt 800 USD trong thời gian tới.

Đề cập vấn đề rằng, hiện lượng đường tồn kho vẫn cao hơn năm trước tới gần 50 nghìn tấn mà sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn kiến nghị cho nhập khẩu, ông Đoàn Xuân Hòa cho biết: “Báo cáo cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cho thấy đến ngày 6/7 lượng đường tồn kho tại các công ty, nhà máy khoảng 205.400 tấn. Tồn do nhập khẩu (tức là quota cấp cho các doanh nghiệp nhưng có thể chưa nhập hoặc mới nhập một ít) vào khoảng 56.000 tấn.

Mới nhìn qua số liệu có thể thấy số lượng đường tồn cao hơn nhiều năm trước, nhưng hầu hết số lượng đường tồn đều đã có kế hoạch tiêu thụ cả rồi. Các doanh nghiệp lớn của ngành đường thường hợp đồng bán định kỳ cho các đại gia về sữa, bánh kẹo và nước giải khát (Vinamilk, Pepsi, Kinh Đô, Coca Cola...). Vì thế, xem ra thì lượng đường tồn lớn nhưng đều đã có chủ nên đến thời điểm hiện tại đã không còn đường để bán, đường nằm trong kho nhưng vẫn xem như đường của người khác”.

Cũng theo ông Hòa, hiện cán cân cung cầu đường trong nước đang quá chênh lệch. Dịp rằm tháng bảy, Tết trung thu, rồi Đại lễ một nghìn năm Thăng Long đang đến gần nên nhu cầu đường là rất lớn. Tính bình quân, chúng ta tiêu thụ mỗi tháng từ 80-100 ngàn tấn đường, vào những dịp cao điểm có khi còn hơn, vậy mà số lượng đường tồn gần như đã có chủ hết cả. Điều đó cũng lý giải vì sao giá đường bán lẻ ngoài thị trường đã lên đến 20 nghìn đồng/kg nhưng các đại lý vẫn không có mà bán. Mặt khác, lượng đường tiêu thụ trong nước trung bình mỗi năm khoảng 1,3-1,4 triệu tấn.

Nhưng niên vụ 2010-2011, kế hoạch sản xuất 1 triệu tấn cũng rất khó hoàn thành. Theo số liệu tổng kết từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và từ các công ty đường cho thấy, diện tích trồng mía tập trung để cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy đường vụ ép 2010-2011 của cả nước là khoảng 250,8 nghìn ha, chỉ tăng 3,4% so với vụ ép trước.

Tuy nhiên đợt hạn hán vừa rồi khiến mía ở miền Trung gần như cháy hết, nên sản lượng mía thu hoạch tới đây sẽ có nguy cơ giảm thấp. Ông Hòa cho biết kế hoạch phân bổ 150 ngàn tấn đường nhập bổ sung như sau: 100 nghìn tấn sẽ được phân bổ ngay cho các đơn vị sản xuất tiêu thụ đường; 50 nghìn tấn dự phòng.

Trên thị trường thế giới hiện nay, các phương tiện truyền thông liên tục loan tin về nguy cơ thiếu đường. Thái Lan tuy là nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới (sản lượng 7 triệu tấn, xuất khẩu 5 triệu tấn/năm), nhưng kể từ thứ 3 tuần gần đây, lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua Thái Lan đã phải nhập khẩu đường. Thông qua công ty thương mại quốc tế, chính phủ Thái Lan đã nhập khẩu hơn 74.000 tấn đường trắng, bình quân giá mỗi tấn khoảng 720 USD, thời gian giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.

Chính phủ Thái Lan còn có kế hoạch trong vài tuần tới sẽ mua lại 100.000 tấn đường từ các thương nhân. Trong khi đó, nhu cầu của nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới là ấn Độ, cùng với Indonesia và các nước Hồi giáo khác đều tăng trước lễ Ramadan từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.

Ngoài ông Luke Mathews, nhà phân tích hàng hóa của Commonwealth Bank of Australia, nhận định: “Trong thời gian ngắn hạn tới, các nước sẽ thiếu đường trầm trọng do nhu cầu tăng quá mạnh trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng”.

Theo Chu Khôi
VnEconomy

MỚI - NÓNG