Bầu Hiển rút khỏi ghế Chủ tịch Bianfishco

Nếu theo hết nhiệm kỳ thì bầu Hiển sẽ còn làm Chủ tịch Bianfishco đến năm 2017.
Nếu theo hết nhiệm kỳ thì bầu Hiển sẽ còn làm Chủ tịch Bianfishco đến năm 2017.
Việc ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB và ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB rời khỏi HĐQT Bianfishco nhằm phù hợp với Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến khả năng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của Bianfishco.

Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết, ban lãnh đạo công ty này đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT đối với ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) và đồng thời cũng miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Văn Lê kể từ ngày 6/5/2015.

Vị trí Chủ tịch HĐQT Bianfishco được bàn giao lại cho ông Mai Xuân Sơn - Phó Tổng giám đốc thường trực công ty và bầu bà Hoàng Thị Mai Thảo vào vị trí Thành viên HĐQT.

Được biết, cuộc họp này diễn ra chiều 6/5 tại trụ sở chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). Sự “xáo trộn” nhân sự chủ chốt tại Bianfishco căn cứ theo đơn xin từ nhiệm ngày 22/4/2015 của ông Hiển và ông Lê cùng công văn của Ngân hàng SHB về việc thay đổi người đại diện phần vốn góp và đề cử nhân sự tham gia HĐQT Bianfishco.

Việc “rút lui” của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB và ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB khỏi Bianfishco được giải thích do Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước mới ban hành có quy định, các giao dịch cấp tín giữa các tổ chức tín dụng với các cá nhân, tổ chức là người có liên quan của tổ chức tín dụng bị hạn chế với những điều kiện cấp tín dụng rất chặt chẽ. Theo đó, việc ông Hiển và ông Lê đồng thời tham gia vào HĐQT của Bianfishco sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của công ty.

Như vậy, sau hơn 2 năm được bầu vào vị trí Chủ tịch và Thành viên HĐQT Bianfishco, hai lãnh đạo của SHB đã rời bộ máy quản trị của công ty này dù chưa hết nhiệm kỳ (2012-2017). Sự tham gia của SHB vào tái cơ cấu Bianfishco diễn ra trong bối cảnh công ty này đang đứng trên bờ vực phá sản năm 2012 do nợ nần chồng chất. 

Thời điểm đó, lúc công ty gặp biến cố thì bà Nguyễn Thị Diệu Hiền - người sáng lập Bianfishco bị bệnh nặng phải chữa trị tại nước ngoài và ủy quyền toàn bộ cho chồng là ông Nguyễn Văn Trí quản lý công ty, đàm phán với chủ nợ. Sau khi SHB tham gia tái cấu trúc, ngân hàng này trở thành cổ đông lớn nhất của Bianfishco với tỷ lệ sở hữu tới 50%, ông Trí chỉ còn nắm 2% và còn lại là các cổ đông khác.

Về tình hình hoạt động năm 2014, kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C đã đưa ra một loạt ý kiến đối với báo cáo tài chính riêng của Bianfishco, trong đó nhấn mạnh đến khả năng hoạt động kinh doanh liên tục của công ty này.

Cụ thể, Bianfishco phát sinh khoản lỗ sau thuế trong năm tài chính 2014 (kết thúc ngày 31/12/2014) là 426,07 tỷ đồng và gánh chịu khoản lỗ lũy kế là 2.543,9 tỷ đồng vào ngày này. Nợ ngắn hạn và tổng nợ phải trả vượt tài sản ngắn hạn và tổng tài sản lần lượt là 2.178,5 tỷ đồng và 1.96,2 tỷ đồng. Hơn nữa, phần lớn các khoản vay và nợ ngắn hạn của công ty đã quá hạn thanh toán tại ngày 31/12/2014.

“Tình hình này cho thấy tồn tại sự không chắc chắn một cách trọng yếu về khả năng công ty sẽ tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động kinh doanh liên tục. Tuy nhiên, Ban Tổng giám đốc tin chắc rằng với sự tiếp tục cố gắng hợp tác và thương lượng của các bên cho vay và các cổ đông trong quá trình tái cấu trúc hoạt động của công ty, việc sử dụng giả định tiếp tục hoạt động trong việc lập BTCT riêng của công ty là phù hợp” - báo cáo kiểm toán nêu.

Theo kế hoạch, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Bianfishco sẽ diễn ra vào ngày 30/5 tới trụ sở công ty thuộc KCN Trà Nóc, Cần Thơ.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG