Bê tông nắp không đạt chất lượng?

Bên trong hầm dìm Thủ Thiêm, các đốt hầm bị thấm nước ngay sau khi được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Thịnh
Bên trong hầm dìm Thủ Thiêm, các đốt hầm bị thấm nước ngay sau khi được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Sự cố các đốt hầm dìm Thủ Thiêm bị thấm nước tại nhiều vị trí ngay sau khi được dìm và lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn (Tiền Phong số 145 đã phản ánh) không làm nhiều người trong cuộc ngạc nhiên bởi cách đây hơn một năm, các chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo, thậm chí đề xuất xem xét giải pháp… đập bỏ phần bê tông nắp của bốn đốt hầm.
Bên trong hầm dìm Thủ Thiêm, các đốt hầm bị thấm nước ngay sau khi được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Thịnh
Bên trong hầm dìm Thủ Thiêm, các đốt hầm bị thấm nước ngay sau khi
được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Thịnh.


Từng được đề xuất đập bỏ

Báo cáo của Tổ chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) vào ngày 8-4-2009 khẳng định: Kết quả khoan kiểm tra một số lõi khoan đã cho thấy có những lỗ hổng lớn. Kết hợp với quan sát có hệ thống các vết nứt (xuất hiện trong quá trình đúc 4 đốt hầm), Tổ chuyên gia cho rằng chất lượng bê tông nắp hầm không đạt yêu cầu, không tương xứng với tuổi thọ yêu cầu là 100 năm. Đối với chất lượng bê tông phần tường và đáy các đốt hầm, chất lượng tuy có khá hơn so với phần nắp hầm nhưng vẫn có các vết nứt.

Báo cáo này cho rằng, với sự xuất hiện của các lỗ hổng nguy hiểm trong các bản nắp, các giả thiết tính toán cường độ của mặt cắt kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) giám sát, kiểm tra trước ngày 20-3-2009 là không còn đúng nữa. Tổ chuyên gia HĐNTNN cho rằng, không thể kết luận là kết cấu đủ đảm bảo an toàn về chịu lực, vì cho dù có tiêm keo epoxy vào các mạch ngừng thi công và các vết nứt dọc xuyên suốt chiều dày bản nắp bê tông thì cũng không có được tính nguyên vẹn của kết cấu chịu lực.

Tổ chuyên gia nhận định, với chất lượng bê tông hiện nay của vỏ hầm, có thể dự đoán vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro sự cố nứt bê tông và thấm nước vào hầm sau này, dù có áp dụng các giải pháp chống thấm bằng các vật liệu hữu cơ. Qua kết quả khảo sát và thí nghiệm một số lỗ khoan và mẫu thử đã phát hiện, trong bê tông có những lỗ rỗng lớn có dấu hiệu đã chứa nước thấm (6/14 mẫu, tỷ lệ 43% không đạt chất lượng).

Đường dẫn vào hầm bị lún

Từ những phân tích trên, Tổ chuyên gia đã đề xuất HĐNTNN cân nhắc toàn diện để xem xét đến giải pháp đập bỏ phần bê tông nắp của bốn đốt hầm Thủ Thiêm để thi công lại. Giải pháp thứ hai có thể thực hiện là tăng cường thêm một lớp BTCT ở bên trên bản nắp các đốt hầm với cấp bê tông cao hơn. Hai lớp bê tông cũ và mới cần được liên kết chặt chẽ bằng các cốt thép.

Giải pháp thứ hai, theo Tổ chuyên gia thì cần phải được xem xét và tính toán lại. Tính toán của IBST trước đây cho thấy cốt thép nắp hầm đã vượt 7% khả năng chịu lực, nếu tăng cường thêm một lớp bê tông nữa sẽ làm giảm thêm khả năng chịu lực của hầm nhưng rốt cuộc phương án này vẫn được chọn.

Trong các ngày 14 và 15-4, HĐNTNN tổ chức kiểm tra việc kết nối giữa hầm dẫn với đốt hầm dìm số 1 và số 2. HĐNTNN phát hiện bằng mắt thường một số vị trí bị thấm cục bộ tại đầu đốt hầm số 1 và số 2 trong phạm vi bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt hầm và tại một vài vết nứt đứng thành hầm. Điều này cho thấy, cảnh báo của Tổ chuyên gia hơn 1 năm trước là có cơ sở.

Không chỉ các đốt hầm bị thấm nước, HĐNTNN phát hiện đường dẫn vào hầm phía bờ Thủ Thiêm đã và đang thi công bị lún so với dự kiến, cao độ tại thời điểm kiểm tra thấp hơn cao độ thiết kế từ 7-15cm (có đoạn thậm chí thấp hơn cao độ tối thiểu +2,163m). Khu vực lún nhiều nhất là ở gần trạm thu phí phía Thủ Thiêm.

Một số chuyên gia xây dựng nhận định: Nhiều khả năng lớp bê tông đổ thêm và lớp bê tông cũ ở phần nắp hầm không liên kết được với nhau, nước thấm vào khoảng hở giữa hai lớp bê tông rồi từ đó theo các vết nứt cũ thấm vào bên trong đốt hầm. Bê tông cốt thép nếu ngâm nước lâu ngày sẽ bị giảm chất lượng và tuổi thọ. Chống thấm hiệu quả nhất là từ bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay 3 trong tổng số 4 đốt hầm đã được dìm và lắp đặt xuống đáy sông, việc chống thấm từ bên ngoài là rất khó. Bơm keo từ bên trong không thể chống thấm lâu dài.

Chiều 25-5, UBND TPHCM họp khẩn để yêu cầu các đơn vị liên quan đưa ra biện pháp xử lý. Theo nhà thầu tư vấn giám sát ORICONSUL, tình trạng thấm tại các đốt hầm Thủ Thiêm trong giới hạn cho phép, độ thấm chỉ 2ml/ giờ/m2 (giới hạn cho phép là 5ml/ giờ/m2) nên không ảnh hưởng chất lượng công trình.

MỚI - NÓNG