Bến phà trăm năm

Bến phà trăm năm
TP - Xuôi quốc lộ 1A ngàn dặm về Nam gặp con sông lớn nhất nước và bến phà cũng lớn nhất nước: Hậu Giang. Năm ra đời bến phà quãng 1914 – 1918, thời điểm chấm dứt họat động của bến phà là sáng 24-4-2010, lúc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ.
Bến phà trăm năm ảnh 1
Cầu Cần Thơ, dải lụa phấp phới giấc mơ thế kỷ bắc qua sông Hậu. Ảnh: Gia Thọ

Bến phà đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào, bây giờ vắng lặng. Cái phòng vé đầu phà không còn thấy khuôn mặt chị nhân viên thấp thoáng qua ô cửa sổ từng in tâm khảm khách bộ hành bao năm. Dãy nhà chờ trống trải, chiếc cầu xuống bến trơ ra, ngơ ngác dập dờn cùng con sóng với đám lục bình xanh ngăn ngắt quẩn quanh.

Sau tròm trèm trăm năm, bến phà Hậu Giang chấm dứt sứ mệnh lịch sử đưa rước khách qua lại hai bờ con sông hùng vĩ. Vẳng trong làn gió mênh mông, Hồn sông, bến nước còn đây/Chuyến phà thế kỷ ai hay phương nào.

Lịch sử xuôi phương Nam mở mang bờ cõi của dân tộc, ngày 20-7-1885, chiếc xe lửa đầu tiên lăn bánh từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Mỹ Tho. Tiếp đó, những chiếc tàu sắt, phà máy, xuất hiện trên sông rạch đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1910, phà máy chở khách qua sông Tiền, mấy năm sau phà máy qua sông Hậu.

Luật sư Nguyễn Văn Khâm, năm nay 94 tuổi, cho biết: “Hồi đầu, bến phà phía bờ Nam đặt gần nơi có trụ sở UBND thành phố Cần Thơ bây giờ, tức là dịch xuống hạ lưu dăm trăm mét so với bến phà đương thấy. Có phà, năm 1929, Cần Thơ có các hãng xe khách Đại Đồng, Vạn Lộc, Trần Đắc Nghĩa, Cao Văn Trạng”.

Bến phà trăm năm ảnh 2

Hình ảnh nhộn nhịp ở bến phà Hậu Giang nay đã lùi vào quá khứ

Ông Nguyễn Văn Khiếm, 85 tuổi, tài công phà Cần Thơ từ năm 1945 đến sau năm 1975 kể: “Thời Pháp, bến phà chỉ có 3 chiếc nhỏ, không có mui, mỗi lần chở được hai chiếc xe, thời gian qua sông mất 30 – 40 phút. Phà cập bến một đầu, hằng ngày chạy từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, người xe ít, trâu bò cũng lên phà sang sông. Bến phà tổ chức chủ yếu phía bờ Cần Thơ, còn phía bờ Vĩnh Long, mỗi khi có khách mới kéo chiếc cần xé sơn trắng lên cao báo hiệu cho phà sang đón”.

Sau giải phóng, thời bao cấp, bến phà cũng chỉ hoạt động ban ngày, ban đêm nghỉ, thời gian phà qua sông tương đương thời Pháp. Thời kỳ này còn lưu ký ức nhiều người sự khủng khiếp của cảnh “lụy phà”.

Bến phà trăm năm ảnh 3Sóng đợi chờ không còn vỗ nhịp đôi bờ nhưng sự chờ đợi ngót trăm năm đầy biến cố đâu dễ lạt phai.Bến phà trăm năm ảnh 4

Từ sáng sớm đến đêm khuya, dằng dặc những đoàn xe và đoàn người nối đuôi nhau chờ qua sông trong nắng mưa, đói khát. Không phải vì nhiều xe hay đông khách, mỗi ngày chỉ chừng 1.000 chiếc ô tô với 10.000 khách, mà vì số lượng phà ít ỏi lại mục nát. Vỏn vẻn có 4 chiếc của hồi trước để lại, mỗi chiếc trọng tải 100 tấn, ngày càng cũ kỹ, luôn hư hỏng, thường chỉ chạy được 1 – 2 chiếc.

Sang thời đổi mới, bến phà Hậu Giang được tự chủ hạch toán, dần dần thoát khỏi cảnh tiêu điều. Vẫn những con người đó, dòng sông đó, những chiếc phà đó mà tất cả chợt khác lạ. Từ năm 1989, phà hoạt động suốt ngày đêm. Đầu năm 1991, bờ Cần Thơ xây dựng thêm một bến mới với hai chiều xe lên xuống, ở giữa có tiểu đảo trồng hoa, khiến nhiều hành khách ngỡ ngàng, rơi nước mắt “không ngờ bến phà cũng có hoa”.

Cùng thời điểm, chiếc phà trọng tải 200 tấn đầu tiên do Chính phủ Đan Mạch viện trợ xuất hiện, khỏe và đẹp, qua sông chỉ mất 14 phút. Khi số lượng phà tăng lên đến 13 chiếc, trọng tải mỗi chiếc 100 tấn lẫn 200 tấn, chấm dứt cảnh kẹt phà.

Vài năm gần đây, cảnh kẹt phà lại tái diễn, do lượng xe và khách quá đông, nhất là dịp lễ tết. Ngày thường, khoảng 7.500 chiếc ô tô, 50.000 người khách, 27.000 chiếc xe máy, dịp lễ tết tăng lên 9.000 chiếc ô tô, người và xe máy gấp đôi, gấp ba. Từ ngày 21-5-2000, cầu Mỹ Thuận khánh thành, người xe xuôi phương Nam thong dong qua sông Tiền, nỗi ám ảnh qua phà sông Hậu càng tăng lên.

Nên khó kể hết niềm vui của ngày 25-9-2004, khởi công xây dựng cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, cách bến phà 3,2 cây số về phía hạ lưu, dự kiến tháng 12-2009 khánh thành. Nhưng xảy ra sự cố sập hai nhịp dẫn phía bờ Vĩnh Long sáng sớm 26-9-2007 đã khiến cả công trình tạm dừng lại. Một số tuyên bố lúc đó, bỏ qua vấn đề kỹ thuật, rằng cầu Cần Thơ vẫn phải khánh thành đúng kế hoạch, càng  cho thấy niềm khát khao về một chiếc cầu lớn đến mức nào.

Thực tiễn không giản đơn như những lời tuyên bố. Thợ làm cầu đã phải nỗ lực hơn rất nhiều, những chiếc phà phải gồng mình thêm hơn một năm nữa so với dự tính ban đầu, giấc mơ thế kỷ mới thành hiện thực. Khi giấc mơ cháy bỏng trở thành hiện thực, lại không khỏi bùi ngùi luyến nhớ cái bến phà từng gắn bó dài lâu, lưu giữ biết bao kỷ niệm vui buồn của cuộc sống.

Bởi chiếc phà năm xưa không còn sang bến đợi nên sông nước dạt dào không vỗ nhịp đêm đêm, câu hát trong bài vọng cổ Chiếc cầu quê em của Tô Minh Giới: Sóng đợi chờ không còn vỗ nhịp đôi bờ nhưng sự chờ đợi ngót trăm năm đầy biến cố đâu dễ lạt phai. Hành trình vượt núi, vượt sông của dân tộc, vượt qua những bồi lở của thiên nhiên và hạn hẹp của con người, để lại cho mai sau những nhịp cầu nối liền bến bờ mong ước, cũng để lại một giá trị vĩnh hằng, ấy là niềm tin đi tới.

MỚI - NÓNG