Bêu tên, cảnh báo cơ sở sản xuất thực phẩm 'bẩn' dịp Tết

Cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ thực phẩm "bẩn" những ngày cận Tết
Cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ thực phẩm "bẩn" những ngày cận Tết
TP - Gần đây, liên tiếp các thông tin về thực phẩm bẩn bị phát hiện, trong đó có cả hàng nội lẫn hàng xuất xứ nước ngoài khiến nhiều người dân bất an, tự đi tìm nguồn cung thực phẩm. Cùng với đó, cơ quan chức năng liên tục giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn. 

Anh Đỗ Văn Thiệp (Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, các gia đình hàng xóm nhà anh năm nào cũng đặt mua lợn sạch ở trang trại trên Hòa Bình để làm thực phẩm Tết. “Giá lợn năm nay cao, do đó giá lợn hữu cơ còn cao hơn, nhưng đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn là ưu tiên hàng đầu”, anh Thiệp nói.

Chị Đỗ Thị Quyên (ở quận Cầu Giấy) thì lại có nguồn rau sạch quanh năm độc đáo. Chị Quyên thuê trọn gói 150m2 đất tại một trang trại ở Sóc Sơn với giá 3 triệu đồng/tháng để trồng rau. Giá này bao gồm trọn gói dịch vụ chăm sóc rau màu, vận chuyển đến tận nhà riêng mỗi tuần. Theo chị Quyên, rau ở mảnh đất chị thuê đáp ứng tương đối lượng rau tiêu thụ của gia đình. Những khi thiếu, chị cũng đều mua rau, quả ở các cửa hàng đảm bảo uy tín.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội) cho biết, mới đây cơ quan quản lý thị trường còn phát hiện và bắt giữ 2 xe container chở theo số lượng lớn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc ngay tại sân siêu thị MM Mega Market.

Tuy nhiên, siêu thị này lại “chối” không phải sản phẩm của mình, “tại sao cơ quan chức năng không kiểm tra ngay hàng trong siêu thị có loại này hay không? Câu trả lời của siêu thị là vô trách nhiệm, và cũng chứng minh hàng ở siêu thị chưa chắc an toàn 100%”, chuyên gia này nhận định.

Theo ông Vũ Vinh Phú, thời gian gần đây hàng hóa được sản xuất theo xu hướng sạch đang được doanh nghiệp phát triển nhiều hơn, tuy nhiên mới chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng hàng hóa làm ra. Tại các hệ thống siêu thị, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì cũng dễ bị “tuồn” hàng không đảm bảo chất lượng vào.

Nói về vấn đề an toàn thực phẩm, nhiều quận nội đô đều nêu khó khăn trong việc xử lý các cơ sở vi phạm. Ví dụ như quận Ba Đình, mặc dù có 30 đoàn liên ngành của quận, phường kiểm tra xử lý, song thực tế các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường xuyên biến động loại hình kinh doanh, nhân viên, địa điểm… gây khó khăn trong công tác quản lý.

Một số trường hợp khi lực lượng chức năng phát hiện sai phạm, họ chống đối bằng cách chuyển địa điểm kinh doanh, đổi tên cơ sở…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đang tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đồ ăn uống. Nếu cơ sở nào không bảo đảm các điều kiện tối thiểu thì dứt khoát phải đình chỉ. Các đơn vị phát hiện các cơ sở sai phạm phải bêu tên. Các cơ quan báo chí cảnh báo để người dân biết cách lựa chọn thực phẩm, tẩy chay những cơ sở làm ăn gian dối. “Người tiêu dùng khi phát hiện những cơ sở sản xuất, bày bán sản phẩm không an toàn có thể thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý”, ông Tụ nói. 

Tính đến nay, số cơ sở đã bị thanh tra, kiểm tra trong dịp Tết đã lên đến 4.700, có 450 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.      

MỚI - NÓNG