“Bêu” tên doanh nghiệp vì sức ép tăng thu

Giảm sự tiếp xúc sẽ giảm tiêu cực trong ngành thuế. Ảnh: Như Ý
Giảm sự tiếp xúc sẽ giảm tiêu cực trong ngành thuế. Ảnh: Như Ý
TP - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, những con số nợ đọng thuế chây ì của doanh nghiệp (DN) cơ quan thuế biết từ lâu, nhưng nay vì sức ép tăng thu nên mới phải công bố. Trong động thái liên quan, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận các vi phạm quy định thuế của DN thường liên quan đến cán bộ ngành này.

Hệ lụy nguy hiểm

Ngày 10/7 là hạn cuối theo kế hoạch Tổng cục Thuế và hai cục thuế Hà Nội và TPHCM phải công khai tên 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn, nhưng chỉ duy nhất Cục thuế thành phố Hà Nội công bố gần với con số yêu cầu của Bộ Tài chính (169/200). Những con số mà cục thuế thủ đô công bố cho thấy nợ đọng thuế đa số đến từ lĩnh vực xây dựng cơ bản, bất động sản.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, những con số nợ thuế lớn đó đều đã được cơ quan thuế nắm bắt từ lâu, không phải bây giờ mới nhận thấy và công bố ra ngoài. “Họ thấy cần phải thu thuế và sức ép buộc phải tăng thu nên mới công bố trên các phương tiện báo đài”, ông nhận định.

“Ai cũng thấy thực tế một số DN đã bán được nhà, thu được tiền của khách hàng không nộp thuế là vô lý”, ông nói. Theo vị này, việc này sẽ dẫn tới hệ lụy vô cùng nguy hiểm, đó là người dân không được cấp sổ đỏ, nên tài sản không được bảo đảm, rất mong manh. “Lỗi của cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhưng người dân phải chịu hết. Cần có sự báo động, lưu ý các cơ quan thực thi pháp luật. DN phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lên người tiêu dùng”, chuyên gia Lê Đăng Doanh khuyến cáo.

DN vi phạm thường do cán bộ thuế

Chiều 10/7, những câu chuyện nóng của ngành thuế trong thời gian gần đây buộc Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phải nêu ra trong cuộc họp Chính phủ, dù hội nghị bàn đến công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Bộ trưởng Dũng cho biết, 2 năm qua đã xử lý tổng cộng 671 người từ buộc thôi việc cho đến giáng chức cán bộ thuế cũng như cán bộ hải quan. Cụ thể, trong quá trình điều tra phát hiện DN vi phạm kê khai trốn thuế hay chuyển giá thường có liên quan đến cán bộ thuế. “Chúng tôi không chấp nhận loại cán bộ không đủ phẩm chất. Đây là bài học để răn đe, phòng ngừa các trường hợp khác và siết lại đội ngũ cán bộ”, ông Dũng nói.

Liên quan đến việc thanh tra thuế, Bộ trưởng Dũng cho hay đang muốn tăng thu từ hoạt động này lên 30% thay vì mức 14-15% hiện tại. Muốn làm điều đó phải cơ cấu và đào tạo lại đội ngũ cán bộ. 

“Bây giờ trong Tổng cục Thuế, trình độ cán bộ rất thấp, những cán bộ của ngành từ trước không được đào tạo cập nhật. Hiện tình hình thay đổi, đội ngũ này cần được đào tạo lại. Đây là vấn đề tập trung thay đổi, rất nặng nề”, ông nói. Ông cũng cho biết không phải tất cả cán bộ ngành thuế đồng tình với cải cách, một số cán bộ phản ứng mạnh mẽ. 

“Có những người cứ lần lữa không chịu thay đổi trước sự hội nhập, mở cửa. Chúng ta phải kiên quyết vận động tới cùng. Không bênh anh em, sai phải xử, cố tình vi phạm là phải xử”, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định.

Vấn đề trách nhiệm ngành thuế được công luận đặt ra sau khi ngành này công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế chây ì, kéo dài. Cụ thể, nhiều người đặt dấu hỏi ngành thuế, cán bộ quản lý thuế làm gì mà để tình trạng gây thất thu ngân sách lớn đến như vậy và bây giờ mới công bố. 

Còn nhớ tháng trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng công bố con số gây giật mình với khoảng 70% người nộp thuế được hỏi cho hay có tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, hay gây phiền hà. Lãnh đạo Tổng cục Thuế phải thừa nhận báo cáo này khách quan trong cuộc họp gần đây của Bộ Tài chính.

MỚI - NÓNG