Bí ẩn giá điện!

Bí ẩn giá điện!
Nhiều người cho rằng giá điện mà Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đang đề nghị tăng cũng giống như vấn đề giá cước của VNPTtrước đây, không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của S-Fone và Viettel.
Bí ẩn giá điện! ảnh 1

Hiện nay ngành điện chưa công khai các yếu tố cấu thành giá điện.

Theo Bộ Công nghiệp, giai đoạn 2006-2010 nhu cầu vốn đầu tư của EVN là 250.000 tỉ đồng. Trong số vốn trên, EVN đã cân đối được 158.000 tỉ đồng, áp dụng các biện pháp bổ sung huy động vốn được 76.000 tỉ đồng và còn 16.000 tỉ đồng chưa thu xếp được.

Khi đi vay vốn nước ngoài để đầu tư vào các công trình điện, theo Tổng giám đốc EVN, ông Đào Văn Hưng, phía nước ngoài thường yêu cầu Việt Nam phải tăng giá điện do lo ngại tình trạng tài chính không an toàn của EVN. “Trong các dự án cho vay phát triển ngành điện, trước khi đặt bút ký, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á thường quy định về mức tăng giá điện hàng năm mà Chính phủ cam kết thực hiện”, ông Hưng nói.

Với mức giá bán điện như hiện nay, theo EVN, sẽ không đủ đảm bảo về tài chính cho EVN và quan trọng hơn là không “thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển ngành điện”. Nhưng câu hỏi được nhiều chuyên gia yêu cầu làm rõ là liệu giá thành sản xuất điện của EVN hiện nay có chứa đựng nhiều bất hợp lý hay không?

Trước tiên, theo ông Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, các nước có tỷ trọng thủy điện lớn thường có giá bán điện thấp và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật này. Đó là chưa kể các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Trị An hay nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí hiện đang chiếm gần 40% sản lượng điện quốc gia, đều là tài sản do Liên Xô (cũ) giúp Việt Nam chứ không phải là tài sản riêng của EVN và việc tính toán giá thành điện có loại bỏ những nhà máy này ra hay không khi tính khấu hao. Đây đều là những nhà máy có tuổi thọ trên 10 năm, trong khi Bộ Tài chính quy định “tuổi thọ” tài sản cố định của EVN là 10 năm.

Trong giá thành điện, chi phí khấu hao tài sản cố định chiếm tỷ trọng rất lớn và ảnh hưởng đến giá thành cũng như lỗ, lãi của doanh nghiệp. Thời gian khấu hao càng ngắn thì mức tính khấu hao trung bình hàng năm càng cao. Rõ ràng là cách tính thời gian khấu hao ngắn chỉ giúp ngành điện tăng thêm chi phí khấu hao, thu hồi vốn nhanh nhưng lại làm tăng chí phí sản xuất kinh doanh điện năng, dẫn tới căn cứ để xây dựng giá bán điện không chuẩn xác trong nhiều năm.

Ông Hoàng Văn Ninh, Phó trưởng ban Tài chính Kế toán (EVN), thừa nhận khấu hao tài sản cố định đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá thành điện hiện nay của EVN. Với 117.000 tỉ đồng tài sản cố định, năm ngoái EVN chọn mức khấu hao là 8%.

Bất hợp lý thứ hai là việc ngành điện chưa tiết kiệm trong đầu tư xây dựng. Trong thời gian qua có quá nhiều dự án bị chậm tiến độ, gây lãng phí. Có dự án chậm đến ba năm. Bên cạnh đó, những sửa chữa lớn diễn ra hàng năm cũng được EVN hạch toán vào giá thành. Chẳng hạn như vụ thay 312.000 điện kế điện tử nhiều tai tiếng ở Tp.HCM trị giá 67 tỉ đồng hay hàng loạt dự án cải tạo lưới điện ở các thành phố lớn, nếu kiểm tra kỹ sẽ thấy có nhiều vấn đề.

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay ngành điện chưa công khai các yếu tố cấu thành giá điện, khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ về các phương án tính toán mà EVN đưa ra để “ép” khách hàng chấp thuận tăng giá điện.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, trong một văn bản gửi Bộ Công nghiệp và EVN, đã đặt câu hỏi nếu quả thật EVN thiếu vốn để đầu tư vào nguồn điện khiến phải tăng giá, thì liệu EVN đã huy động hết nguồn lực của mình hay chưa?

Nắm trong tay gần một trăm nhà máy điện các loại, nhưng hiện nay EVN mới chỉ cổ phần hóa ba nhà máy là thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà và Nhiệt điện Phả Lại với tỷ lệ vốn nhà nước tương ứng là 60%, 75%, 75%. Theo ông Hải, “tỷ lệ này không có lợi cho Nhà nước, cho nhà đầu tư, cho EVN và cả cho sự phát triển của doanh nghiệp đã cổ phần hóa”.

Ông Hải cho rằng, chỉ cần giảm tỷ lệ cổ phần của EVN tại ba nhà máy trên xuống 51% thì EVN đã huy động được ngay 1.500 tỉ đồng, chiếm hơn 10% trong số tiền 14.464 tỉ đồng mà EVN hy vọng có được khi tăng giá điện trong suốt thời gian 2006-2010.

Đầu năm ngoái, EVN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng giá điện nếu không sẽ gặp khó khăn và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tăng mạnh từ Kwh thứ 301 trong tháng trở đi. Sau khi dư luận phân tích những bất hợp lý của cách thức tăng giá này, Thủ tướng đã rút lại quyết định.

Nên nhớ, EVN lãi hơn 1.000 tỉ đồng trong năm vừa rồi và nhân viên đi ghi số điện, những người được coi là có thu nhập thấp nhất trong số 90.000 lao động của EVN, cũng có lương trung bình trên 2 triệu đồng/tháng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi Thủ tướng quyết định có tăng giá điện hay không, cần có một báo cáo độc lập xem ngành điện đã nỗ lực hết mình để giảm giá thành chưa. Trong trường hợp EVN đã nỗ lực hết mình thì cần xem có phương án nào khác ngoài việc tăng giá hay không và cái giá mà xã hội phải trả trong năm năm tới có lớn hơn số tiền gần 15.000 tỉ đồng mà EVN muốn có hay không?

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.