Bí ẩn giao dịch “khủng” gần 550 tỷ đồng trong “chớp mắt” tại Viglacera

Chưa rõ bên nào đã mua vào khối lượng lớn cổ phiếu VGC từ khối nhà đầu tư ngoại
Chưa rõ bên nào đã mua vào khối lượng lớn cổ phiếu VGC từ khối nhà đầu tư ngoại
Cổ phiếu Viglacera sáng nay bất ngờ được thoả thuận với quy mô lớn gần 550 tỷ đồng, bên bán nhiều khả năng là Dragon Capital trong khi bên mua chưa rõ là tổ chức/cá nhân nào. Trước đó, Bộ Xây dựng từng muốn thoái 36% vốn khỏi tổng công ty này nhưng bất thành.

Sau chuỗi tăng mạnh mẽ giai đoạn đầu năm, rốt cuộc đến sáng 26/2, trước áp lực chốt lời, các chỉ số chính cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm. Tuy vậy, hoạt động bán ra không ồ ạt và vẫn tồn tại lực mua lớn, do đó, VN-Index chỉ mất 4,21 điểm tương ứng 0,42% còn 990,22 điểm; HNX-Index sụt nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,02% còn 107,59 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm giá. Có tổng cộng 269 mã giảm và 21 mã giảm sàn so với 245 mã tăng và 44 mã tăng trần trên toàn thị trường.

Thanh khoản vẫn diễn biến tích cực với 141,99 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên sáng trên HSX thu hút 2.745,4 tỷ đồng đổ vào giải ngân. HNX có 21,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 328,36 tỷ đồng.

Sự điều chỉnh sáng nay diễn ra tại các mã lớn như VNM, GAS, MSN, PLX… đã gây bất lợi cho VN-Index, tuy nhiên, mức độ giảm giá tại những mã này không quá lớn. Trong khi đó, NVL, DHG, HPG, GEX, PPC, HAG… tăng giá và tác động tích cực đến chỉ số, dù vậy vốn hoá tại các mã này không đủ lớn để có ảnh hưởng mạnh đến diễn biến chung.

Cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera gây chú ý nhất trong phiên sáng hôm qua khi được khối ngoại bán thỏa thuận tới 27,4 triệu đơn vị cho nhà đầu tư nội tại mức giá 21.200 đồng/cổ phiếu tương ứng 548,5 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là hoạt động bán ra của Dragon Capital, tuy nhiên không rõ bên mua là ai. Ở phương thức khớp lệnh, mã này cũng được khớp lệnh mạnh với hơn 4 triệu cổ phiếu.

Giá cổ phiếu VGC thời gian qua diễn biến tích cực bất chấp kết quả sản xuất kinh doanh của Viglacera sụt giảm trong năm 2018. Mã này đã tăng hơn 14% trong vòng 1 tháng qua và tăng tới hơn 30% trong khoảng thời gian 3 tháng. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang đặt kỳ vọng vào tiến trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.

Hiện tại, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm gần 242 triệu cổ phiếu VGC, chiếm tỷ lệ 53,97% vốn điều lệ công ty này. Vào hồi năm ngoái, Bộ Xây dựng từng đăng ký bán ra hơn 80 triệu cổ phiếu VGC tương ứng 36% vốn với mức giá tối thiểu 26.000 đồng/cổ phiếu nhưng không thành công.

Báo cáo phân tích của BVSC cũng đã lưu ý rằng, rủi ro xuất hiện các phiên biến động mạnh theo hướng tiêu cực của thị trường đang có chiều hướng gia tăng khi chỉ số bắt đầu tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.000-1.024 điểm.

Thị trường có thể sẽ tiếp tục có diễn biến phân hóa giữa các dòng cổ phiếu và các cổ phiếu vốn hóa lớn dự kiến sẽ tiếp tục luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền dự báo vẫn sẽ tìm đến các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy thuộc các nhóm ngành như dầu khí, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, BVSC không khuyến nghị mở thêm các vị thế mua mới từ vùng trên 995-1000 điểm, bởi rủi ro quay đầu giảm điểm của thị trường kể từ vùng kháng cự trên đang có dấu hiệu gia tăng.

Mặt khác, nhà đầu tư có thể canh các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an tòa, đặc biệt là đối với các tài khoản đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Tỷ trọng tổng danh mục nên được khống chế tối đa ở mức 45-55% cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG